Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thế giới tuần từ 31/5-6/6: Những cú sốc

EU cho rằng, các tổ chức xếp hạng tín dụng đã khiến khủng hoảng nợ lan rộng thêm.

Chính phủ Mỹ vung tay quá trán, liên minh cầm quyền Anh đối mặt với bê bối tài chính, Nhật Bản gấp rút thay lãnh đạo mới
Chính phủ Mỹ vung tay quá trán, liên minh cầm quyền Anh đối mặt với bê bối đầu tiên về tài chính, Nhật Bản gấp rút thay lãnh đạo mới, Hungary có thể là nỗi lo sợ mới sau Hy Lạp...

Dưới đây là tóm tắt các sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua:

Thời gian gần đây, các nhà lãnh đạo EU nhiều lần cáo buộc các cơ quan xếp hạng tín dụng đã khiến khủng hoảng nợ ở Hy Lạp lan rộng thêm. Xuất phát từ lý do này, hôm 2/6, Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất thành lập một cơ quan mới nhằm giám sát các tổ chức xếp hạng tín dụng, coi đó là một phần trong nỗ lực giám sát hệ thống tài chính. Theo đó, Cơ quan chứng khoán và các thị trường châu Âu (ESMA) sẽ theo dõi việc đăng ký hoạt động của các tổ chức xếp hạng tín dụng và thực hiện giám sát hàng ngày đối với những cơ quan này.


Theo thông báo của Bộ Tài chính Mỹ, lần đầu tiên trong lịch sử, nợ công của nước này tính đến ngày 1/6 đã lên hơn 13.000 tỷ USD, tăng 1.600 tỷ USD so với năm ngoái, tăng hơn hai lần trong 10 năm qua và chiếm tới 90% GDP. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do Chính phủ Mỹ thời gian qua đã tiến hành các chương trình cắt giảm thuế, và chi mạnh tay cho các gói hỗ trợ, nhằm kích thích nền kinh tế số một thế giới nhanh chóng bứt ra khỏi khủng hoảng tài chính toàn cầu.


Canada là quốc gia đầu tiên trong nhóm G7 nâng lãi suất cơ bản trong năm nay. Hôm 2/6, Ngân hàng Trung ương Canada đã nâng lãi suất đối với các khoản vay qua đêm giữa các ngân hàng thương mại lên 0,5%, từ mức thấp kỷ lục 0,25%, vốn đã được duy trì từ tháng 7/2007. Trong khi đó, theo giới phân tích, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có khả năng sẽ chưa nâng lãi suất cơ bản cho tới quý 4/2010. Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng có thể phải tới đầu năm tới mới có quyết định tương tự.


Hôm 29/5, sau khi tờ Daily Telegraph tiết lộ Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh David Laws lấy hơn 40.000 Bảng Anh tiền thuế của dân để thuê nhà của người tình đồng giới, ông Laws đã quyết định từ chức. Tin này đã liên tiếp giáng 3 cú sốc vào dư luận Anh. Trước hết, đó là một bước lùi đối với liên minh cầm quyền của tân Thủ tướng David Cameron, thứ hai là việc một tân bộ trưởng biển thủ công quỹ và thứ ba là sự tiết lộ động trời về giới tính của ông Laws.


Ông Peter Szijjarto, phát ngôn viên của Chính phủ Hungary, cho biết kinh tế nước này hiện đang trong tình trạng nguy hiểm bởi chính phủ tiền nhiệm đã thao túng, bóp méo số liệu và nói dối về tình trạng thực của nền kinh tế. Đồng forint đã giảm giá lên tới 1,8%. Tình hình tài chính công tại Hungary hiện tệ hơn nhiều so với tính toán trước đây, khả năng Hungary có thể thoát được kịch bản tồi tệ như Hy Lạp là khá thấp.


Hôm 3/6, ông Timothy Geithner, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, cho biết khủng hoảng châu Âu khó có thể cản đà phục hồi của kinh tế Mỹ. Ông đánh giá cao những biện pháp mà châu Âu đang áp dụng để giải quyết khủng hoảng. Theo ông Geithner, nền kinh tế Mỹ đã mạnh lên trong vài tháng qua, do vậy nước này hiện đã đủ mạnh để chống chọi với những vấn đề bắt nguồn từ khủng hoảng nợ châu Âu.


Ông Li Fuan, quan chức thuộc Ủy ban điều tiết ngành ngân hàng Trung Quốc, cho biết hiện chưa phải lúc Trung Quốc sẵn sàng hoặc ngưng chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản. Phát biểu tại Bắc Kinh ngày 3/6, ông Li nói rằng, lĩnh vực bất động sản sẽ vẫn là ngành quan trọng tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong 10, 20, 30 và thậm chí 40 năm tới. Lĩnh vực bất động sản cần phát triển thêm khoảng 60 năm, trước khi mức sống trên toàn Trung Quốc có thể lên mức ổn định.


Chiều 4/6, Quốc hội Nhật Bản đã chính thức bỏ phiếu, bầu tân Chủ tịch đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền, ông Naoto Kan, làm thủ tướng thứ 6 ở nước này trong vòng 4 năm qua. Theo giới phân tích, sau khi trở thành thủ tướng, ông Kan sẽ phải đối mặt với những lựa chọn để làm thế nào lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vốn đang phải gánh món nợ công khổng lồ, tăng trưởng chậm chạp và dân số già hóa.

vneconomy

ĐỌC THÊM