Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thêm áp lực lên lạm phát khi Fed tăng lãi suất cơ bản

 Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản ngắn hạn thêm 0,25 điểm phần trăm, đồng thời ám chỉ từ nay đến cuối năm có thể tăng lãi suất thêm hai lần nữa. Điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến kinh tế Việt Nam?

Rủi ro nào cho kinh tế Việt Nam?

Rạng sáng 14/6 theo giờ Việt Nam, Fed đã chính thức công bố việc tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm %. Như vậy, sau khi giữ nguyên mức lãi suất 1,5 - 1,75% vào tháng 5 vừa qua, trong tháng 6 này, quyết định đã được đưa ra. Với quyết định này, lãi suất Liên bang hiện nằm trong khoảng 1,75 - 2%.


Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng đầu năm ước tăng 3,01% so với bình quân cùng kỳ. Ảnh: Đức Thanh

Trên thực tế, việc Fed quyết định tăng lãi suất không gây bất ngờ cho giới đầu tư, cũng như các chuyên gia kinh tế, bởi điều này đã được dự báo trước. Bất ngờ là ở chỗ, cùng với quyết định tăng lãi suất lần này, Fed lại đồng thời ám chỉ việc sẽ tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay. Có nghĩa là, tổng cộng trong năm 2018, sẽ có 4 đợt tăng lãi suất, thay vì chỉ là 3 lần của năm ngoái và của dự định trước đó. Nguyên nhân của việc Fed tăng lãi suất là do kinh tế Mỹ đã mạnh lên.

Phản ứng trước thông tin trên, thị trường chứng khoán Mỹ ngay lập tức “đỏ lửa” trong ngày thứ Tư. Cả 3 chỉ số công nghiệp Dow Jones, S&P 500, lẫn Nasdaq Composite đều giảm điểm. Thị trường thế giới phản ứng ra sao còn phải chờ thêm thời gian, nhưng chắc chắn không ít nền kinh tế lo ngại vì quyết định này của Fed. Lý do là, việc Mỹ tăng lãi suất sẽ khiến USD được ưa chuộng hơn, giá trị sẽ tăng lên so với đồng tiền khác, trong đó có VND.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, các chuyên gia kinh tế thừa nhận, việc Fed quyết định tăng lãi suất không phải quá bất ngờ, mà đã được dự báo trước và điều này sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới kinh tế Việt Nam. “Việc Mỹ tiếp tục tăng lãi suất cũng như tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới tương đối khả quan sẽ kéo theo khả năng USD năm nay tăng giá, thay vì mất giá như năm ngoái, gây áp lực cho đồng tiền Việt Nam”, chuyên gia Cấn Văn Lực nói.

Đồng quan điểm, chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc Fed quyết định tăng lãi suất, đồng thời tuyên bố tăng tiếp 2 lần nữa trong năm nay sẽ “ảnh hưởng lớn tới kinh tế Việt Nam”.

“Có thể trước mắt sẽ chưa tác động lớn, nhưng cuối năm sẽ khác, thậm chí khả năng là tác động sang năm sau nhiều hơn nữa. Quyết định này sẽ ảnh hưởng tới tỷ giá đồng Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam vẫn xuất siêu (2,67 tỷ USD, sau 5 tháng đầu năm - PV) nên chưa có nhiều ảnh hưởng, song về lâu dài, chúng ta vẫn phải tính toán vấn đề tỷ giá”, chuyên gia Cao Viết Sinh nói.

Thông tin cho biết, hiện tại, dù Fed chưa tăng lãi suất, thì áp lực tỷ giá đã cao hơn so với năm ngoái. Năm ngoái, USD đã mất giá gần 10%, nhưng từ đầu năm tới nay, đồng tiền này đã tăng khoảng 1,8%. Điều này sẽ tạo áp lực đối với tỷ giá USD/VND.

Trong báo cáo kinh tế vĩ mô 5 tháng đầu năm vừa được công bố, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, từ nay tới cuối năm 2018, cần lưu ý vấn đề tỷ giá, bởi USD đang có xu hướng tăng trở lại, nhất là khi Fed tiếp tục tăng lãi suất. “Cần tiếp tục bám sát chính sách tỷ giá và có những động thái điều hành linh hoạt”, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia bày tỏ quan điểm.

Thêm áp lực cho lạm phát

Không chỉ là câu chuyện tỷ giá, việc Fed tăng lãi suất có thể lên tới 4 lần trong năm nay sẽ tạo thêm áp lực lạm phát cho Việt Nam, vốn đang là một nỗi lo của nền kinh tế. “Có thể việc Fed tăng lãi suất không tác động trực tiếp, nhưng sẽ tác động gián tiếp tới lạm phát của Việt Nam”, chuyên gia Cao Viết Sinh nói.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, ngay sau khi Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng ước tăng 3,01% so với bình quân cùng kỳ, mặc dù vẫn trong ngưỡng cho phép là dưới 4%, nhưng không ít chuyên gia kinh tế cho rằng, áp lực lạm phát đang quay trở lại với nền kinh tế Việt Nam.

Báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã nhắc tới điều này và nhấn mạnh việc CPI của tháng 5/2018 đã tăng khoảng 0,55% so với tháng trước, là mức tăng cao nhất của tháng 5 so với các tháng trước trong 6 năm trở lại đây. “Với xu thế CPI tăng dần sau các tháng kể từ đầu năm, dư địa để điều hành giá cả và kiểm soát trong các tháng cuối năm là khá hạn chế, cần đảm bảo mức tăng CPI ở mức hợp lý, đảm bảo mục tiêu dưới 4% cả năm”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Cơ quan tham mưu điều hành về kinh tế vĩ mô cho Chính phủ cũng đã nhắc đến xu hướng giá dầu đang tăng cao, cộng thêm chuyện Fed đã và sẽ tiếp tục tăng lãi suất USD, cũng như mối lo “chu kỳ khủng hoảng 10 năm” để cảnh báo những rủi ro của nền kinh tế, không chỉ là lạm phát, mà còn là tăng trưởng kinh tế.

Trong khi đó, trong báo cáo kinh tế vĩ mô mới nhất của mình, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, nếu giá dầu bình quân tăng khoảng 24-25% so với cùng kỳ, lên mức 65 USD/thùng theo như dự báo mới nhất của World Bank, sẽ làm cho giá nhóm giao thông tăng khoảng 8-10% so với năm trước, theo đó, lạm phát năm 2018 có thể tăng 4-4,1% so với cùng kỳ.

Còn nếu giá dầu bình quân năm 2018 tăng 17-20% so với năm 2017 như dự báo từ đầu năm (đạt mức 60-62 USD/thùng) sẽ làm cho giá nhóm giao thông tăng khoảng 5-7% so với năm trước và lạm phát năm 2018 dự báo sẽ tăng ở mức 3,5-3,8% so với cùng kỳ.

Nhưng với những diễn biến hiện tại, cộng thêm việc Fed tăng lãi suất, có thể lạm phát năm nay sẽ chịu nhiều áp lực hơn. Chuyên gia Cấn Văn Lực thậm chí cho rằng, năm nay, nếu giữ được lạm phát ở mức 4% thì cũng đã là một thành công.

Nguồn tin: Đầu tư

ĐỌC THÊM