Đến sáng nay (18/10), thêm một số ngân hàng đã triển khai đồng thuận giảm lãi suất huy động. Mức tối đa 11%/năm được kéo thẳng ở hầu hết các kỳ hạn tại nhiều thành viên.
Theo đồng thuận giữa các hội viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), từ ngày 15/10 này, lãi suất huy động VND sẽ rút về tối đa 11%/năm, thay cho mức tối đa 11,2%/năm trước đó.
Tuy nhiên, đúng hẹn 15/10 chỉ có một số thành viên thực hiện đồng thuận này, hoặc một số ngân hàng cổ phần đã chủ động hạ lãi suất trước đó.
Trong ngày 16/10, do một số chi nhánh vẫn thực hiện làm việc vào sáng thứ Bảy, nên một số thành viên mới quyết định hạ lãi suất huy động, như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank)…
Đến sáng nay (18/10), thêm một số thành viên chính thức nhập cuộc với biểu lãi suất huy động mới với mức tối đa 11%/năm, trong đó có những thành viên lớn như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank)…
Điểm đáng chú ý là ở những thành viên nói trên, biểu lãi suất huy động VND đã có “trật tự” mới: kéo thẳng mức lãi suất tối đa 11%/năm áp đồng loạt cho tất cả các kỳ hạn có từ 1 tháng đến 36 tháng. Riêng tại Vietinbank, mức tối đa 11% được xác định từ 1 tháng đến 12 tháng; các kỳ hạn trên 12 tháng thấp hơn, từ 10,5% - 10,8%/năm.
Như vậy, tại những thành viên nói trên, không phân biệt cổ phần hay quốc doanh, hay Nhà nước đang giữ cổ phần chi phối, ngoài loại không kỳ hạn hay các kỳ hạn cực ngắn như theo tuần, không còn khái niệm “đường cong lãi suất”. Lãi suất không có phân biệt sự cao thấp giữa các kỳ hạn ngắn với dài.
Diễn biến trên cho thấy cạnh tranh về lãi suất giữa các ngân hàng, các khối ngân hàng đang dần thu hẹp, thay vì khối quốc doanh vẫn thường áp thấp hơn trong những năm trước đây; mặt khác, cũng cho thấy việc điều chỉnh lãi suất nghiêng về sự tôn trọng đồng thuận, còn yêu cầu huy động vốn vẫn “kéo căng” ở hầu hết các kỳ hạn mà không có sự phân biệt.
Nguồn: Vneconomy