Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thêm thuế có cứu được doanh nghiệp thép nội?

 Vừa phải đối phó với thép TQ, vừa lo các dự án thép của nước ngoài đầu tư đi vào hoạt động cũng khiến các DN nội cạnh tranh gay gắt.

Bùng nổ của ngành thép

Sau khi áp thuế tự vệ tạm thời, dấu hiệu tiêu thụ thép trong nước tổng khối lượng thép xây dựng và tiêu thụ trong quý I/2016 đạt trên 2 triệu tấn, tăng hơn 55% so với cùng kỳ năm 2015.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng trên khó có thể kéo dài khi nguồn cung thép giá rẻ từ Trung Quốc cũng như các nước vẫn ồ ạt vào Việt Nam. Nhất là vào năm 2018, khi thuế nhập khẩu thép hợp kim về 0% càng tăng thêm lợi thế giá thấp của thép Trung Quốc. Chưa kể, khi các dự án thép của nước ngoài đầu tư đi vào hoạt động sẽ khiến sản lượng thép nội địa tăng lên chóng mặt.

Trong bối cảnh đó, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) phải nghĩ tới việc đề xuất cơ quan quản lý áp thuế nhập khẩu để bảo vệ thị trường trong nước.

Tuy nhiên, ngành thép nội địa không thể chỉ trông chờ vào thuế, bởi trước đó, theo dự báo của Hiệp hội thép, trong tương lai sẽ có thêm 5 dự án thép công suất lớn đi vào hoạt động với tổng công suất 1,5 triệu tấn/năm. Điều này dự báo sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh gay gắt do sản lượng dư thừa.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Nguyễn Tiến Nghi, cho biết 5 dự án thép nói trên gồm Thép Thái Trung ở Thái Nguyên có công suất 500 ngàn tấn/năm, 3 dự án ở Đà Nẵng gồm Dana-Ý (250 ngàn tấn/năm), Thái Bình Dương (250 ngàn tấn/năm), Thép Miền Trung (250 ngàn tấn/năm) và một dự án ở Bình Dương là An Hưng Tường công suất 250 ngàn tấn/năm.

Theo ông Nghi, hiện nhu cầu thép xây dựng trong nước chỉ dao động ở mức 6,3 triệu tấn/năm, trong khi đó, việc thêm các nhà máy trên đẩy tổng công suất thép xây dựng cả nước lên 9 triệu tấn/năm, sản lượng dư thừa là gần 3 triệu tấn.

“Chắc chắn với sự dư thừa sản lượng thép xây dựng ngày càng nhiều, các doanh nghiệp thép sẽ cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn; muốn xuất khẩu cũng không dễ vì đòi hỏi chất lượng cao; chưa kể lượng thép giá rẻ nhập khẩu vào Việt Nam cũng không phải ít”, ông Nghi nhận định.

Theo ông Nghi, mặc dù VSA đã nhiều lần cảnh báo về sự bùng nổ của ngành thép, nhưng dường như ngành thép trong nước đang “làm khổ” chính mình khi các dự án thép cứ đua nhau triển khai.

Sản lượng các loại thép khác cũng vượt cầu gần gấp đôi. Chẳng hạn, sản lượng thép tấm cán nguội cả nước hiện lên đến 2,7 triệu tấn/năm, ống thép 1,9 triệu tấn/năm và tôn mạ là khoảng 1,7 triệu tấn/năm.

Xin trả lại

Trong khi đó, một tình trạng cấp phép tràn lan trong lĩnh vực này vẫn xảy ra. Nhiều dự án thép công suất lớn được cấp phép nhưng không triển khai, do không đủ năng lực, ì ạch kéo dài nhiều năm.

Một số nhà máy đã bị rút giấy phép nhưng vẫn còn các nhà máy dù không triển khai vẫn xin nâng công suất.

Ví dụ, Nhà máy Thép Guang Lian Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi) của liên doanh Tycoon và E- United (Đài Loan). Ngoài ra, còn nhiều dự án thép của các DN trong nước cũng đang trong tình trạng dở dang suốt nhiều năm qua.

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch VSA, cho rằng quy hoạch phát triển ngành thép thời gian qua có nhiều bất cập, đã có tình trạng cấp phép tràn lan. Vì thế, cần điều chỉnh lại trong thời gian tới. Trước đây, chỉ cần DN có thể tự cung tự cấp nguyên liệu sản xuất, tự chủ nguyên liệu là được cấp phép mà không xem xét các yếu tố dư thừa.

Nhưng với tầm nhìn 3-5 năm hay 10 năm tới sẽ khác. Khi cấp phép cho dự án, lẽ ra phải có báo cáo nghiên cứu khả thi, phân tích thị trường, sản phẩm công nghệ, hiệu quả kinh tế, tác động môi trường... nhưng tại nhiều dự án lại không có, điển hình như Formosa.

Không phải đợi lâu, thời gian mới đây Công ty Cổ phần Đầu tư khoáng sản An Thông (thuộc Tập đoàn Hòa Phát) vừa có công văn gửi lên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các bộ ngành liên quan để xin trả lại hai điểm mỏ quặng sắt tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang với lý do giá thành khai thác cao, nếu càng khai thác, càng thua lỗ.

Từng đề cập tới vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khi trao đổi với Đất Việt đã thẳng thắn chỉ ra rằng: "Tâm lý chung của các địa phương, sự háo hức về thành tích vẫn còn rất ghê gớm mà có nhiều dấu hỏi đằng sau chuyện thành tích đó còn có cái gì? Cái này không có bằng chứng để nói nhưng chắc chắc không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng xin được dự án, giấy phép đầu tư như vậy.

Nếu xử lý không nghiêm thì không thể nào chấm dứt được dự án treo, dự án không mang lại cái gì, thậm chí gây mất mát cho doanh nghiệp, xã hội, cho người dân ở địa phương đó".

Nguồn tin: Đất việt

ĐỌC THÊM