Tuy có thể hưởng lợi từ việc gia tăng xuất khẩu nhờ hiệp định thương mại tự do CPTPP chính thức có hiệu lực, nhưng áp lực dành cho các DN thép vẫn còn rất lớn trong năm 2019.
Áp lực lớn nhất có lẽ là nhóm ngành tôn, đơn cử như tại ông lớn Hoa Sen khi giá cổ phiếu HSG liên tục lập đáy và hiện chỉ còn chưa tới 7.000 đồng/cổ phiếu. Lý do trong năm qua, giá thép HRC bất ngờ suy giảm; trong khi một số thị trường chủ lực của công ty bất ngờ gia tăng các biện pháp phòng vệ đi cùng với áp lực dư thừa nguồn cung trong nước khiến doanh thu của Tập đoàn Hoa Sen chịu tác động tiêu cực, lợi nhuận ròng chỉ đạt 410 tỷ đồng, giảm 70% so với năm trước.
Triển vọng thị trường trong năm nay vẫn chưa mấy sáng sủa cho Hoa Sen. Theo ước tính của Công ty chứng khoán Bảo Việt, trong năm nay sản lượng tôn tiêu thụ (gồm xuất khẩu và nội địa) đạt khoảng 4,5 - 5 triệu tấn, tức chỉ tương đương một nửa công suất của các DN trong ngành. Triển vọng của thị trường xuất khẩu cũng trở nên kém khả quan hơn với làn sóng bảo hộ thương mại.
Cảm nhận những thách thức mới, kế hoạch kinh doanh mà Tập đoàn Hoa Sen đặt ra trong năm nay vì thế cũng rất thận trọng với doanh thu mục tiêu là 31.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chỉ là 500 tỷ đồng.
Một ẩn số rủi ro khác cho các DN thép năm nay chính là các động thái mới từ Trung Quốc - quốc gia sản xuất đến 50% tổng lượng thép toàn cầu. Để chống lại sự suy giảm của nền kinh tế trước cú sốc chiến tranh thương mại, có dấu hiệu cho thấy chính phủ Trung Quốc sẽ nới lỏng hơn kế hoạch bảo vệ môi trường, giúp sản lượng của các tập đoàn thép Trung Quốc tăng trở lại từ cuối năm ngoái và gia tăng áp lực cạnh tranh về giá với các DN thép Việt Nam trong năm nay.
Theo Công ty chứng khoán Bảo Việt, trong giai đoạn giảm giá liên tục 2012-2015, giá thép Trung Quốc giảm bình quân 15%/năm còn giá thép Việt Nam giảm 9%/năm. Ngay cả trong năm khó khăn nhất của ngành thép Trung Quốc là năm 2015 với mức giảm giá 28% thì giá thép Việt Nam chỉ giảm 17%. Vì vậy trong năm nay, nếu giá thép Trung Quốc giảm khoảng 10% thì thép Việt Nam có thể sẽ giảm khoảng 5%.
Một rủi ro khác cho các DN thép là sự tăng trưởng chậm lại của thị trường bất động sản và xây dựng trong năm 2019. Nguyên nhân là do chủ trương siết lại nguồn vốn tín dụng chảy vào bất động sản, cộng thêm chính sách siết chặt lại khâu cấp phép các dự án ở các thành phố lớn như TP.HCM sẽ làm suy giảm lượng các dự án chào bán ra thị trường.
Nhưng bên cạnh rủi ro, vẫn còn một số cơ hội cho các DN thép tận dụng. Hiệp định thương mại CPTPP sẽ mở ra cơ hội gia tăng xuất khẩu vào một số thị trường lớn như Canada, Mexico... Một số dự án hạ tầng trọng điểm có thể được khởi công trong năm nay như tuyến vành đai 3, tái khởi động metro số 1, hay sự mở rộng đầu tư của nhiều hãng ô tô nội địa như Vinfast, Thaco… sẽ mang lại cơ hội gia tăng tiêu thụ thép.
Trong năm nay, Hòa Phát nhiều khả năng vẫn là cái tên đáng chú ý nhất nhờ chuỗi sản xuất hoàn thiện. Năm nay, khu liên hợp Dung Quất của Hòa Phát dự kiến sẽ chính thức hoạt động và mang đến một động lực tăng trưởng mới cho tập đoàn. Nếu đạt công suất tối đa, Nhà máy Dung Quất có thể giúp Hòa Phát tăng trưởng gấp 3,5 lần về sản lượng, và gia tăng thị phần nắm giữ lên 35%.
Mặc dù gặp nhiều thách thức hơn trong 2019 nhưng theo Công ty chứng khoán Bảo Việt khi xét về mặt dài hạn, Việt Nam là quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa với tốc độ cao, do đó tiềm năng tăng trưởng của ngành thép có thể đạt bình quân 10%/năm trong vòng 5 năm tới, cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành thép thế giới với tốc độ chỉ 1-3%.
Nguồn tin: ANTT