Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thép bội thu, điện lĩnh đủ!

Bùng nổ đầu tư vào ngành thép gần chục năm qua đã khiến hệ thống điện của cả nước chới với trong đáp ứng nhu cầu về tiêu thụ điện.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao các chủ đầu tư dự án thép có nhu cầu điện từ 100 MVA trở lên phải tự xây dựng nguồn điện để sử dụng. Phần điện dư thừa sẽ bán lại cho hệ thống điện quốc gia.

Theo thống kê của EVN, giá điện bán cho thép ở Việt Nam hiện bình quân là 909,28 đồng/kWh (tương đương 4,78 UScents/kWh); trong khi đó, giá điện bán cho thép ở Thái Lan là 8,12 UScents/kWh, Singapore là 14,1 UScents/kWh; Indonesia là 6,7 UScent/kWh. Điều này cũng cho thấy, giá điện ở Việt Nam rất hấp dẫn các nhà đầu tư, nên đã có tình trạng ào ào đổ bộ vào ngành thép thời gian qua.

Tính tới nay, cả nước có 65 dự án sản xuất gang, thép có công suất 100.000 tấn/năm trở lên. Trong số này có 32 dự án ngoài quy hoạch đã được các địa phương cấp Giấy chứng nhận đầu tư, nhưng chưa có ý kiến thoả thuận của Bộ Công thương, hoặc ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ (đối với dự án có vốn đầu tư từ 1.500 tỷ đồng trở lên).

Việc các nhà đầu tư ào ạt đổ bộ vào ngành thép không chỉ phá vỡ quy hoạch ngành thép đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mà còn làm cho hệ thống điện mất cân đối nghiêm trọng.

Để cấp điện cho các dự án gang, thép nói trên, EVN đã phải đầu tư hàng trăm máy biến áp, công suất đặt trên 1.205 MVA và hàng năm, các nhà máy thép này tuy mới sử dụng dưới 50% công suất đặt, nhưng đã tiêu thụ khoảng 3.500 triệu kWh. Nhu cầu sử dụng điện tại các nhà máy gang thép đổ bộ thời gian qua có thể khiến ngành điện “oằn lưng” đầu tư với dự tính chi hơn 30.000 tỷ đồng để xây mới nguồn và lưới điện, để đảm bảo cấp điện cho các dự án gang, thép.

Theo thống kê của Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương), trong số các dự án ngoài quy hoạch nêu trên, có 15 dự án sản xuất phôi thép từ thép phế và sử dụng công nghệ lò điện. Trên thực tế, điện năng tiêu thụ để sản xuất 1 tấn thép bằng lò điện hồ quang ở Việt Nam là khá cao, tới 500-600 KWh/tấn phôi thép, trong khi đó công nghệ đang được sử dụng ở Nhật Bản chỉ 350-400 KWh/tấn phôi thép. Do đó, khi các nhà đầu tư càng đổ xô vào làm thép, luyện thép, thì cân đối điện càng khó khăn.

Chính vì vậy, Bộ Công thương trong một báo cáo mới đây gửi Chính phủ đã kiến nghị không cấp phép đầu tư để tránh lãng phí với với các dự án thép có dây chuyền nhỏ, nhưng tiêu hao điện lớn. Ngoài ra, Bộ Công thương cũng đề xuất, để đảm bảo cung cấp điện theo đúng tiến độ đi vào vận hành của các dự án thép, các dự án thép phải nằm trong quy hoạch được duyệt có định hướng trước ít nhất 5-10 năm; đối với những dự án thép mới bổ sung, không nằm trong quy hoạch, cần phải nghiên cứu giải pháp đồng bộ cung cấp điện cho các dự án này và phụ tải điện khác trên địa bàn, trong đó có tính đến phương án cấp điện bằng nguồn điện tại chỗ.

Là chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực thép và dù đang giữ cương vị Chủ tịch Hiệp hội Thép (VSA), nhưng ông Phạm Chí Cường cũng rất đồng tình với đề nghị tự cân đối điện tại các dự án thép khi nhu cầu điện cho sản xuất thép vượt qua công suất 100 MVA của ngành điện.

“Tất cả các dự án liên hợp trên thế giới đều tự làm nhà máy điện để phục vụ sản xuất và chỉ dùng thêm điện lưới quốc gia khi thiếu, nhưng cũng không nhiều”, ông Cường nói và cho rằng, các cơ quan chức năng có nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án thép phải rất lưu tâm tới vấn đề tự cân đối điện của các dự án thép. Các bộ, ngành phải yêu cầu chủ đầu tư có thỏa thuận trước về cân đối điện cho sản xuất với ngành điện, thì mới cấp phép, chứ đừng để khi tình trạng có nhà máy mà không thể có điện để hoạt động.

Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương bùng nổ về đầu tư thép. Với công suất đăng ký gần 20 triệu tấn/năm và công suất thực tế khoảng 6 triệu tấn/năm, các dự án thép đã khiến quy hoạch điện của tỉnh này từ năm 2006 đến nay phải điều chỉnh, bổ sung tới 7 lần, đồng thời khiến lưới điện hiện hữu bị phá nát, manh mún.

Ông Cường cho hay, qua tìm hiểu của VSA về tình hình cắt điện tại các nhà máy thép mùa khô vừa qua, có những nhà máy lớn như Posco (Bà Rịa - Vũng Tàu) công suất 1,2 triệu tấn/năm phải nghỉ sản xuất gần 1/4 số ngày trong tháng do không có điện. Còn dự án thép ShengLi Việt Nam (Thái Bình), không có trong quy hoạch thép, nhưng lại được ưu tiên cấp điện liên tục khiến điện cho sinh hoạt của người dân ở Thái Bình thiếu nghiêm trọng.

Nguồn: baodautu

ĐỌC THÊM