Thép cán nóng tại nhà máy Benxi, Bengang, đơn vị chuyên xuất khẩu thép sang Việt Nam đang liên tục tăng giá. Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam đã trao đổi với NDH xung quanh vấn đề giá thép có thể tăng trong thời gian tới do ảnh hưởng này.
Thưa ông, được biết giá thép cán nóng tại nhà máy Benxi, Bengang đang tăng mạnh (ngày 8/4 tăng 7%), đáng chú ý, các đơn hàng nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam bị ứ đọng do thiếu nguồn cung, Hiệp hội Thép có biết thực trạng này?
Việt Nam bị phụ thuộc thế giới về nguyên liệu sản xuất thép, 100% nguyên liệu là nhập khẩu, nên khi thép cán nóng và tấm lá tăng mạnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường thép Việt Nam. Nguyên liệu thép tăng suốt từ tháng 1, tháng 2, tháng 3 và chưa có dấu hiệu ngừng. Đầu tháng 4, giá nguyên liệu lại tăng.
Có thông tin cho rằng thép cán nóng tăng giá, cộng với việc các doanh nghiệp Việt không nhập khẩu được do nhà máy bị thiếu nguồn cung nên các doanh nghiệp tồn thép cán nóng sẽ thắng đậm trong thời gian tới, ông đánh giá sao về nhận định này?
Nguồn cung thiếu trong khi lượng hàng tồn kho vẫn còn sẽ là thế mạnh cho các doanh nghiệp trong thời gian tới. Các doanh nghiệp nhập khẩu thép cuộn cán nóng về làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm thép cán nguội, tôn mạ màu, ông thép. Trong đó doanh nghiệp lớn nhất trong nhập khẩu thép cán nóng sản xuất các sản phẩm là Tôn Hoa Sen, tiếp đến là các doanh nghiệp Posco Việt Nam, Nam Kim, Tôn Đông Á.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam
Tại sao giá lại liên tục tăng như vậy thưa ông?
Giá tăng liên tục có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân lớn nhất là ảnh hưởng từ Trung Quốc. Hai năm trước, thị trường nguyên liệu thép giảm quá sâu do áp lực cạnh tranh với các sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc. Năm 2015, Trung Quốc xuất khẩu ra toàn cầu 112 triệu tấn thép với giá bán thấp gây lỗ 10 tỷ USD. Trung Quốc không thể tiếp tục giảm giá bù lỗ nên năm 2016 đã tăng giá bán ra thị trường. Điều này tác động đến thị trường thế giới, dẫn đến thép tăng giá.
Kể từ sau khi áp thuế tự vệ tạm thời, giá thép trên thị trường liên tục nhảy múa theo chiều tăng, nhưng lại đạt lượng tiêu thụ khủng, tại sao lại có chuyện nghịch lý giá tăng- bán chạy như vậy thưa ông?
Hiện giá thép trên thị trường đã giảm dần, không còn tăng mạnh như thời gian đầu có thông tin áp thuế tự vệ.
Hiệp hội Thép thống kê thương nhu cầu thép tháng 3 cao nhất trong tất cả các tháng. Đặc biệt tháng 3 năm nay, lượng tiêu thụ thép cao nhất so với tất cả các năm. Tổng lượng thép xây dựng mà các doanh nghiệp sản xuất thép đã tiêu thụ được lên đến 1,011 triệu tấn, tăng đến 55,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng hơn 200.000 tấn so với năm ngoái.
Ngoài lý do tháng 3 là tháng cao điểm mua xây dựng nhu cầu thép tăng cao còn bởi tâm lý găm hàng tích trữ đầu cơ.
Hiệp hội Thép Việt Nam có nhận định thế nào về thị trường thép trong thời gian tới, liệu giá có tiếp tục tăng?
Tình hình giá thép trên thế giới đang có diễn biến phức tạp, chúng tôi nhận định giá thép còn có thể nhích lên trong thời gian tới.
Trong quý 1/2016, tổng lượng thép xây dựng được tiêu thụ tại thị trường nội địa lên tới 1,92 triệu tấn, tăng đến 56,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, doanh nghiệp có thị phần tiêu thụ thép lớn nhất hiện nay đang thuộc về Tổng công ty thép miền Nam -CTCP (VNSteel) với sản lượng bán ra gần 500.000 tấn trong quý 1/2016, tương ứng 24,65% thị phần.
Tiếp đến là Tập đoàn Hòa Phát với số lượng xấp xỉ 400.000 tấn (tương ứng 19,54% thị phần). Và thứ ba là Công ty CP thép Việt (Pomina) với sản lượng gần 238.000 tấn, tương 11,76% thị phần.
Nguồn tin: NDH