Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết trong năm 2012 ngành thép xuất khẩu được 2,3 triệu tấn thép đạt kim ngạch 2,03 tỉ đô la Mỹ - Ảnh: Văn Nam
Trong bối cảnh cung vượt cầu, tiêu thụ nội địa sụt giảm, doanh nghiệp thép trong nước tìm mọi cách xuất khẩu thép nhằm duy trì sản xuất, giúp ổn định việc làm cho hàng chục ngàn lao động. Nhưng con đường vượt khó của ngành thép tỏ ra khá chật vật do những yếu kém nội tại của nó.
Số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy trong năm 2012, ngành thép Việt Nam xuất khẩu được 2,3 triệu tấn thép các loại với kim ngạch xuất khẩu 2,03 tỉ đô la Mỹ.
Lượng và giá trị xuất khẩu các sản phẩm như tôn mạ màu và thép xây dựng tăng dần trong 2 năm gần đây. Nếu như năm 2011 ngành thép xuất khẩu được 292 ngàn tấn thép xây dựng và 385 ngàn tấn tôn mạ màu thì sang năm 2012 đã xuất khẩu được 360 ngàn tấn thép xây dựng và 485 ngàn tấn tôn mạ.
Tôn Hoa Sen là một ví dụ: nếu như năm 2012 doanh nghiệp này đạt lượng bán ra khoảng 427 ngàn tấn sản phẩm tôn mạ thì trong đó lượng xuất khẩu đã chiếm đến 201 ngàn tấn.
Xuất khẩu đối mặt với kiện tụng
Theo phân tích của ông Đinh Huy Tam, Tổng Thư ký VSA, trên thực tế số lượng xuất khẩu của doanh nghiệp thép Việt Nam trong năm 2012 không nhiều, nhưng tỉ lệ xuất tăng cao trong thời gian ngắn nên bị một số nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia cảnh báo kiện chống bán phá giá, áp đặt biện pháp tự vệ thương mại.
“Xuất khẩu là bước đi bắt buộc của doanh nghiệp thép trong bối cảnh thị trường trong nước co hẹp, cung vượt cầu. Nhưng điều đó không có nghĩa là doanh nghiệp thép cứ xuất bằng mọi giá, không thận trọng sẽ rất dễ vướng vào các biện pháp bảo hộ của các nước”, ông Tam nhận định.
Ông Tam đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp thép rằng để tránh bị kiện chống bán phá giá, biện pháp tự vệ thương mại từ một số nước, bên cạnh những nỗ lực phát triển thị trường nội địa thì tốt nhất doanh nghiệp thép trong nước cần cố gắng tìm kiếm thị trường mới, xúc tiến thương mại, tránh phụ thuộc vào một thị trường duy nhất.
Trên thực tế, thép cuộn nguội của Việt Nam xuất khẩu sang Indonesia đã chính thức bị áp thuế chống bán phá giá 13,5%-36,6% theo quyết định của Ủy ban Chống bán phá giá Indonesia ban hành hồi cuối tháng 12-2012, đây là một cảnh báo nữa cho ngành thép trong bối cảnh doanh nghiệp nào cũng muốn đẩy mạnh xuất khẩu.
Sản xuất đối mặt với dư thừa
Xét về toàn ngành thép, trong năm 2012 lượng thép xây dựng tiêu thụ chỉ đạt 4,5 triệu tấn, giảm 10% so với 2011. Thế nhưng, lượng tiêu thụ các loại thép khác như thép ống, thép cuộn cán nguội, cán tôn mạ kẽm tăng 20-40% đã kéo tổng tiêu thụ ngành thép cả nước trong năm 2012 tăng 3% so với 2011.
Theo Chủ tịch VSA Phạm Chí Cường thì mức tăng trưởng 3% trong năm 2012 là dấu hiệu không đến nỗi "quá buồn" trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng đáng ngại nhất trong năm qua là khó khăn chỉ đổ dồn về các doanh nghiệp thép xây dựng do tác động của thị trường bất động sản đóng băng kéo dài. Nhiều nhà máy thép xây dựng đã phải chạy dưới 60% công suất, một số nhà máy tạm ngưng hoạt động, ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động, công nhân nhà máy thép đã phải nghỉ việc luân phiên.
Dự báo khó khăn sẽ còn tiếp diễn trong năm 2013 nên VSA chỉ đưa ra dự báo tổng lượng thép tiêu thụ trong năm 2013 tăng 2-3%, tương đương mức tăng trưởng ngành thép trong năm 2012.
Khó khăn của ngành thép sẽ không được giải quyết nếu chỉ dựa vào vài tỉ đô la xuất khẩu được trong năm qua mà về căn bản phải giải quyết vấn đề từ gốc rễ: quy hoạch và phát triển ngành. Trong hoàn cảnh sức tiêu thụ giảm sút, tồn kho nhiều mà theo VSA chỉ riêng trong 2013 này tiếp tục có thêm 5 nhà máy thép xây dựng đi vào hoạt động. Sản xuất bất chấp nhu cầu thị trường thì thừa công suất là hiển nhiên.
Tình trạng dư thừa công suất cũng bắt đầu lan sang loại thép ống, tôn mạ kim loại sơn phủ màu, thép cuộn cán nguội và tiếp đến sẽ là phôi thép.
Theo nhận định trong bản tin nội bộ VSA trong tháng 1-2013 thì do quản lý bị buông lỏng, không có sàng lọc trong nhiều năm nên hầu hết các sản phẩm thép chính của Việt Nam có công suất gấp 2 lần nhu cầu, riêng thép cuộn cán nguội công suất đã gấp 3 lần nhu cầu.
Và như vậy, chỉ cần trong năm 2013, các nước tăng cường áp dụng biện pháp kiểm soát thép nhập khẩu, thị trường bất động sản trong nước chưa phục hồi kịp được thì doanh nghiệp thép trong nước chắc chắn sẽ rơi vào tình cảnh khốn quẫn rất nhiều so với hiện nay.
Theo: TBKTSG Online