Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thép chệch quy hoạch

Ngay sau khi Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện quy hoạch ngành thép, Hiệp hội Thép VN cũng đã có công văn trình Thủ tướng về tình hình quy hoạch, cấp phép đầu tư trong ngành.

 Trao đổi với DĐDN xung quanh nội dung này, ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội thép khẳng định ngành thép cần phải "hãm phanh" kịp thời trong việc cấp phép đầu tư để tránh rơi vào khủng hoảng thừa, đồng thời Nhà nước cần sớm ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ cho các dự án luyện kim đầu tư mới ở Việt Nam.

Ông Cường cho biết, mặc dù Quy hoạch phát triển ngành thép mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 9/2007 nhưng chỉ một thời gian ngắn gần đây đã có sự bùng nổ với hàng loạt dự án đầu tư cả trong và ngoài nước làm cho con số dự án vượt ngoài quy hoạch lên tới con số 32 dự án. Nếu các dự án này được thực thi sẽ dẫn đến cung vượt cầu rất lớn, có thể gấp 3 lần so với con số dự tính nhu cầu thép trong quy hoạch (năm 2020 khoảng 20 triệu tấn/năm) gây khó khăn cho DN thép trong nước.

- Thưa ông, theo ý kiến của nhiều người mặc dù số lượng các dự án sản xuất thép nhiều so với nhu cầu, nhưng các chủ đầu tư đã tính toán kỹ lưỡng trước khi có ý định đầu tư?

Đúng là việc XK thép luôn được các chủ đầu tư tính toán trong các dự án của mình nhưng chúng ta cũng không thể quá lạc quan vì thị trường thép trên thế giới đã có nhiều nhà XK thép khổng lồ như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...và không chỉ có VN mà nhiều nước ở Đông Nam Á cùng đều có dự án liên hợp thép lớn. Điều này sẽ làm cho cạnh tranh trong XK thép sẽ rất khốc liệt, không dễ dàng trong việc tìm kiếm thị trường XK thép mà chỉ nên dự tính mức độ XK tối đa ở mức 10% sản lượng. Tôi lấy ví dụ Trung Quốc họ sản xuất 500 triệu tấn thép, XK đứng đầu thế giới cũng chỉ ở mức 50 triệu tấn và hiện cũng đang gặp rất nhiều khó khăn vì cầu giảm.

 Ngoài ra, việc có quá nhiều dự án thép ở hầu hết các địa phương sẽ làm mất cân đối những tính toán trong quy hoạch như: cân đối năng lượng điện, nguyên liệu, vận tải... nhất là môi trường vì ngành thép là ngành công nghiêp gây ô nhiễm môi trường. Quá nhiều dự án thép cũng sẽ dẫn tới chiếm nhiều diện tích đất đai nông nghiệp, hiện tại mỗi dự án chiếm từ 1.000 - 3.000 ha đất. Hiện nay, nhiều dự án triển khai chậm tới 2-3 năm, thậm chí có dự án còn không triển khai và đã phải thu hồi giấy phép. Theo tôi, điều này còn xảy ra với các dự án còn lại trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay.

- Việc có nhiều dự án khiến khó khăn cho việc phát triển quy hoạch ngành thép đã rõ. tuy nhiên còn một vấn đề nữa là việc bố trí các khu liên hợp  luyện kim cũng được nhiều người cho là chưa hợp lý. Quan điểm của Hiệp hội về vấn đề này như thế nào?

 Tôi đồng ý với ý kiến này, hiện nay việc bố trí các Liên hợp Luyện kim chưa hợp lý. Tôi lấy ví dụ, riêng khu vực Thạch Khê- Hà Tĩnh có tới 4 dự án Liên hợp luyện kim công suất từ 2 -15 triệu tấn/năm. Đây là một điều không tưởng vì địa phương không thể đáp ứng được các yêu cầu về hạ tầng cơ sở cho cả 4 dự án lớn này. Trên thế giới chưa có nơi nào tập trung các nhà máy luyện kim với công suất lớn như vậy. Hay như tại khu vực Quán Toan- Hải Phòng, rất nhiều nhà máy luyên kim được bố trí tập trung, rất gần khu dân cư, xen kẽ cả khu biệt thự sẽ ảnh hưởng lớn tới môi truờng...

- Theo ông, có phải việc số lượng các dự án vượt kế hoạch quá lớn như vậy là do công tác quản lý, cấp phép của địa phương còn lỏng lẻo nên dẫn tới tình trạng trên?

Theo tôi để dẫn tới tình trạng này là do việc phân cấp cho địa phương được quyền cấp giấy phép đầu tư để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư đã được các địa phương tận dụng mà không có sự quản lý chặt chẽ để tuân thủ theo quy hoạch đã dẫn tới cấp giấy phép ồ ạt. Trong điều kiện thị trường nhỏ như VN, việc tỉnh nào cũng xây dựng nhà máy luyện kim chắc chắn sẽ phá vỡ mọi  cân đối và gây lãng phí rất lớn tời tiềm lực quốc gia.

- Vậy theo ông từ bây giờ chúng ta cần phải có nhưng biện pháp gì để quy hoạch ngành thép không đi  chệch "đường ray" như hiện nay?

Trước hết cần phải rà soát kỹ những dự án đang xây dựng hoặc sắp xây dựng để kiểm tra cơ sở nguyên liệu có đủ đảm bảo nhà máy hoạt động lâu dài hay không. Kiên quyết thu hồi giấy phép nếu dự án nào không thực hiện đúng tiến độ, không cho phép chuyển đổi chủ một cách tuỳ tiện.

Tạm thời không cấp giấy phép mới cho các dự án luyện kim ngoài quy hoạch vì đã thừa công suất so với nhu cầu, đặc biệt là các dự án sản xuất thép xây dựng thông thường và phải nhập phôi.

Nên tạo điều kiện cho các cty thép có uy tín và có thực lực trên thế giới như: JFE (Nhật Bản), POSCO (Hàn Quốc), TATA (Ấn Độ)...

Ban hành sớm tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ cho các dự án luyện kim đầu tư mới ở VN. Việc thẩm định các nhà máy liên hợp luyện kim không thể phó mặc cho địa phương mà phải tuân thủ quy chế chặt chẽ và có sự tham vấn của chuyên gia...

- Xin cảm ơn ông!

Đến nay đã có 32 dự án không thuộc danh mục quy hoạch đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong đó gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu - 7 dự án; Hải Phòng - 5 dự án; Thanh Hóa, Hải Dương mỗi tỉnh có 4 dự án; Hà Tĩnh - 3 dự án; các tỉnh Cao Bằng, Quảng Ninh, Quảng Bình, Ninh Thuận mỗi tỉnh có 1 dự án. Trong số dự án trên có 2 dự án đã đưa vào sản xuất là nhà máy gang thép Đông Triều, Quảng Ninh và Cty TNHH Hoa Phong (Trung Quốc) tại Hà Nam; 3 dự án đang hoàn chỉnh, dự kiến đưa vào sản xuất đầu năm 2009 gồm Cty cổ phần thép Vạn Lợi và Cty cổ phần thép Đình Vũ tại Hải Phòng, Cty cổ phần khai khoáng và luyện kim Thanh Hà tại Thanh Hóa. 

(ViệtStock)

ĐỌC THÊM