Tiêu thụ giảm gần 30% so với mức thông thường. Thế nhưng thay vì giảm giá cho người sử dụng, các doanh nghiệp lại chọn cách tăng chiết khấu cho nhà phân phối với hi vọng sẽ cải thiện được sức mua của thị trường.
Mua bán thép xây dựng tại một cửa hàng trên đường Lý Thường Kiệt, Q.Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: M.ĐỨC |
Không chỉ các đại lý, nhà phân phối thép “méo mặt” vì thị trường thép ế ẩm mà nhiều doanh nghiệp sản xuất thép cũng đang rơi vào cảnh “ngồi trên lửa” khi áp lực đến hạn trả lãi vay ngân hàng, thanh toán công nợ...
Ảm đạm ngoài dự báo
Từ nửa tháng nay cửa hàng phân phối thép xây dựng của bà H.C. trên đường Lý Thường Kiệt (TP.HCM) luôn trong tình trạng “không một bóng người”. Lượng giao dịch từ giữa tháng 5-2011 kéo dài đến tuần lễ đầu tiên của tháng 6-2011, công ty chỉ giao được 1,5 tấn thép cho công trình ở huyện Bình Chánh. Trong sổ giao dịch hằng ngày của cửa hàng, mục “nhập hàng” vẫn được để trống từ ngày 8-5-2011 đến nay. “Thị trường ảm đạm ngoài sức dự báo của doanh nghiệp. Có hôm còn không muốn mở cửa bán nữa...” - bà H.C. than thở.
Doanh nghiệp sản xuất thép cũng chẳng khá hơn gì các đại lý và nhà phân phối. Một cán bộ chuyên giám sát lượng tiêu thụ thép hằng tháng của Tổng công ty Thép VN (VNSteel) chi nhánh phía Nam cho biết tổng lượng thép xây dựng tiêu thụ trong hai tháng gần đây chỉ ở mức 50.000-54.000 tấn, giảm ít nhất 20.000-30.000 tấn so với mức tiêu thụ thông thường mà doanh nghiệp này đạt được. “Hàng loạt công trình xây dựng đình trệ. Người dân thắt chặt chi tiêu khiến mùa xây dựng năm nay đặc biệt khó khăn đối với giới kinh doanh thép”, ông này thừa nhận. Một số doanh nghiệp sản xuất thép tư nhân hoặc liên doanh cũng không thoát khỏi tình trạng giống VNSteel.
Ông Hoàng Quốc Đạt, giám đốc Công ty TNHH xây dựng Đại Vinh (Q.3), cho hay hầu như hai tháng nay công ty ông không nhận được hợp đồng xây dựng nào mới ngoài các dự án sửa chữa nhỏ lẻ không cần sử dụng đến thép. Theo bảng báo giá mà nhà cung cấp fax cho công ty ông, hai tháng gần đây giá thép vẫn xoay quanh mức 18-18,1 triệu đồng/tấn.
Theo ông Phạm Chí Cường, chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA), sau khi mức tiêu thụ thép giảm mạnh (trên 30%) vào tháng 3-2011, sang tháng 4-2011 mức sản xuất và tiêu thụ thép đã hồi phục nhưng chưa trở lại mức tiêu thụ bình thường. Nguyên nhân chính được xác định là việc cắt giảm đầu tư công, rà soát lại các dự án đầu tư ở trung ương và địa phương được tiến hành triệt để hơn.
Giá vẫn cao với người sử dụng
Tồn hơn 800.000 tấn thép Theo ông Phạm Chí Cường, lượng thép xây dựng bán ra của các thành viên trong VSA tính đến cuối tháng 5-2011 đã giảm 11,37% so với tháng trước, tương ứng 389.712 tấn. Nếu tính thêm lượng thép xây dựng còn nằm ở các công ty khoảng 403.000 tấn nữa thì trong tháng 6-2011 các doanh nghiệp không cần sản xuất gì thêm vẫn dư sức cung ứng cho thị trường. Và nếu tính thêm lượng phôi thép còn tồn ở các doanh nghiệp khoảng 540.000 tấn, thị trường đang có đến hơn 800.000 tấn thép thành phẩm chờ được tiêu thụ đến tận cả tháng 7-2011 mà vẫn không sợ thiếu! |
Điều đáng nói, thay vì giảm giá nhiều hơn để kích thích sức mua, phần lớn nhà sản xuất thép đều giữ nguyên mức giá công bố từ tháng 3-2011 đến nay (hiện giá thép công bố của nhà sản xuất dao động từ 18,28-18,48 triệu đồng/tấn).
Tuy nhiên, theo tính toán của các chuyên gia trong ngành, với giá xuất xưởng khoảng 16 triệu đồng/tấn, ngay cả khi cộng thêm một số chi phí đầu vào khác, kể cả lãi vay ngân hàng ở mức cao, các doanh nghiệp sản xuất thép vẫn chưa lâm vào ngưỡng lỗ vì vẫn còn thừa lực để tăng chiết khấu cho hệ thống phân phối của mình nhằm cải thiện mức tiêu thụ.
“Thực tế sau khi trừ chiết khấu và các khoản hỗ trợ như chi phí vận chuyển, chi phí doanh số... mỗi tấn thép nhà sản xuất bán cho nhà phân phối đang thấp hơn mức giá công bố ít nhất 500.000-600.000 đồng/tấn”, bà H.C. thừa nhận.
Các khoản hỗ trợ trong tình trạng ế ẩm này, theo bà H.C., được nhà sản xuất chi tăng hơn trước trung bình 200.000-300.000 đồng/tấn dưới nhiều tên gọi, hình thức khác nhau, trong đó doanh nghiệp thép tư nhân thường “mạnh tay” chi hơn so với doanh nghiệp nhà nước hoặc liên doanh.
“Tư nhân hay liên doanh thì dễ hỗ trợ bằng tiền mặt. Còn khối nhà nước chỉ có thể hỗ trợ dưới hình thức trả lãi suất theo lượng tiền ký quỹ mua hàng của nhà phân phối. Nhưng lãi suất hỗ trợ này cũng được quy đổi thành... thép để trả cho nhà phân phối trong từng đợt lấy hàng chứ họ cũng không được nhận tiền mặt trực tiếp”, phụ trách kinh doanh một doanh nghiệp thép 100% vốn nhà nước tiết lộ.
Chính vì vậy, thiệt thòi nhất vẫn là các hộ tiêu dùng nhỏ lẻ khi vẫn phải mua thép theo mức giá thị trường - vốn đã qua quá nhiều tầng nấc “chặt chém” - nên không thể nào có được giá “hời” như các nhà phân phối “cấp bự” được thụ hưởng từ chính những nhà sản xuất đang ra sức “o bế” họ.
Thực trạng này dù đã được “xới đi xới lại” rất nhiều lần, nhưng xem ra vẫn chưa có lời giải phù hợp khi bài toán chủ động hệ thống kênh phân phối trong lĩnh vực thép vẫn chưa được các nhà sản xuất quan tâm một cách đúng tầm.
Nguồn tin: Tuoitre