Hôm thứ Ba (29/3), Chủ tịch Liên đoàn Sắt thép Nhật Bản Eiji Hashimoto cho biết, cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine sẽ có tác động rất lớn đến nhu cầu và thương mại thép toàn cầu. Nga và Ukraine là hai quốc gia xuất khẩu lớn các sản phẩm thép trên thị trường toàn cầu.
Thị trường toàn cầu hiện đang tập trung đánh giá tác động của cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine với các mặt hàng năng lượng khi giá dầu thô neo ở mức cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Nhưng bên cạnh dầu thô, mặt hàng thép cũng đã tăng mạnh trở lại. Thép được xem là một trong những loại hàng hoá phổ biến nhất trong sản xuất công nghiệp.
Giới phân tích nhận định thị trường sẽ sớm đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung các loại thép thanh và tôn. Mặc dù phương Tây không áp dụng biện pháp trừng phạt nào nhắm trực tiếp vào lĩnh vực sản xuất thép của Nga nhưng các biện pháp trừng phạt đã khiến hoạt động xuất khẩu thép của nước này gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, các hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine đã khiến phần lớn hoạt động sản xuất thép của Ukraine bị đình trệ. Nga hiện là quốc gia xuất khẩu thép lớn thứ ba trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản, trong khi Ukraine là nước lớn thứ tám.
Khu vực châu Âu sẽ là nơi chịu tác động mạnh nhất từ tình trạng thiếu hụt nguồn cung thép từ Nga và Ukraine. Theo hãng nghiên cứu thị trường Argus (Anh), nguồn cung thép từ Nga và Ukraine chiếm tới 30% tổng lượng thép được EU nhập khẩu. Cùng với Belarus – quốc gia đồng minh của Nga và cũng đang chịu các biện pháp trừng phạt của phương Tây thì nguồn cung thép thanh từ ba quốc gia này chiếm tới 60% tổng lượng thép thanh nhập khẩu của EU.
Mặt khác, chi phí năng lượng tăng cao dưới tác động của cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine đã tác động tiêu cực đến hoạt động của nhiều nhà máy thép tại châu Âu. Các nhà sản xuất thép ở Tây Ban Nha như ArcelorMittal và nhà sản xuất thép không gỉ Acerinox đã cắt giảm sản lượng, trong khi hãng Lech-Stahlwerke của Đức đã ngừng sản suất ở bang Bavaria.
Hãng tư vấn MEPS International (Anh) nhận định giá thép thế giới có thể tiếp tục tăng trong ngắn hạn và tình trạng gián đoạn nguồn cung thép tại châu Âu khó có thể sớm được giải quyết.
Theo nhà phân tích Michael Widmer của tập đoàn ngân hàng Bank of America (Hoa Kỳ), tuy tác động đầy đủ của cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa được thể hiện trong dữ liệu sản xuất nhưng sản lượng thép của châu Âu trong tháng 1 đã giảm xuống mức thấp nhất theo mùa kể từ năm 2009.
Dữ liệu từ Hiệp hội Thép Thế giới (WSA) cho thấy, sản lượng thép thô trong tháng 2 của EU giảm 2,2% so với tháng trước và các nơi khác ở châu Âu giảm 4,8%. Ngoài ra, sản lượng thép thô toàn cầu giảm 5,7% trong tháng 2 vừa qua. Đối với các ngân hàng trung ương, việc giá thép tăng mạnh đang gia tăng áp lực lạm phát trên quy mô toàn cầu.
Nguồn tin: Công thương