Ngày 24/3/2009, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) gửi công văn 28/HHTVN gửi Thủ tướng Chính phủ thông tin về cuộc họp của Hiệp hội Thép Đông Nam Á tại Trung Quốc vừa qua. Đồng thời phản ánh và kiến nghị giải pháp chống hiện tượng thép cuộn đang “biến tướng” thành thép hợp kim, lách luật, trốn thuế vào Việt Nam.
- Gần 29.000 tấn thép “mượn tên” trốn thuế?
Dư luận trong ngành thép dấy lên nghi ngờ khi hàng chục ngàn tấn “thép cuộn hợp kim” giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam qua Công ty Thép Thành Long (Hưng Yên) trong tháng 1 và 2/2009. Thép hợp kim chỉ chịu thuế 0% nên giá bán rất rẻ, thấp hơn thép cuộn trong nước 1 triệu- 1,5 triệu đồng/tấn. Một số công ty đã lấy mẫu lô hàng trên đưa vào Trung tâm kỹ thuật- tiêu chuẩn- đo lường chất lượng 1 thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn- đo lường- chất lượng Việt Nam.
Qua phân tích, kết quả thu được không đúng như tờ khai hải quan của Công ty Thép Thành Long là nhập “thép hợp kim” mà chính là thép các bon thông thường, chỉ khác là có thêm chút ít (0,002%) hàm lượng chất Bo. Hàm lượng Bo tuy rất nhỏ nhưng lại giúp cho doanh nghiệp nhập khẩu dễ dàng lách luật trốn thuế rất lớn. Bởi vì, nếu là thép cuộn các bon thông thường phải chịu thuế suất thuế nhập khẩu 12%, nhưng do có thêm chất Bo, thép biến thành hợp kim, được hưởng mức thuế suất ưu đãi là 0%. Quả là một việc làm nhỏ nhưng lách luật trốn thuế khá tinh vi.
Ngày 11/3/2009, VSA đã có kiến nghị Tổng cục Hải quan, Cục Quản lý Thị trường và Cục kiểm tra sau thông quan Tổng cục Hải quan kiểm tra, xác minh lại những lô hàng thép cuộn nói trên để có biện pháp ngăn chặn kịp thời những hiện tượng gian lận thương mại gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh, nhất là trong giai đoạn kinh tế suy thoái, các nước dư thừa thép tìm mọi cách xuất khẩu vào thị trường Việt Nam, chèn ép sản xuất trong nước, đồng thời tránh thất thu thuế của Nhà nước, bảo đảm công bằng cho các công ty sản xuất thép.
Như vậy, 28.839 tấn thép “hợp kim” do Công ty Thép Thành Long nhập vào nếu xác định đúng hành vi trốn thuế như các thành viên Hiệp hội Thép Việt Nam phản ánh có khả năng bị truy thu thuế rất lớn, khoảng trên 10 tỷ đồng.
Tại cuộc họp Hiệp hội thép Đông Nam Á ở Thượng Hải (Trung Quốc) vừa qua, một số nước ASEAN phản ánh, hiện tượng thép cuộn nhập khẩu có thêm chất Bo để biến thành thép hợp kim để trốn thuế cũng đã xảy ra với nước họ.
Trong cuộc đối thoại giữa Hiệp hội Thép ASEAN với Hiệp hội thép Trung Quốc, phía Việt Nam đưa vấn đề này ra, phía Trung Quốc có ý kiến yêu cầu Việt Nam gửi danh sách các công ty đã xuất khẩu các loại thép này để họ can thiệp.
Chống thép bán phá giá, gian lận thương mại bằng cách nào?
Theo ông Nguyễn Tiến Nghi- Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam: Do lượng thép cuộn từ Trung Quốc và ASEAN vào Việt Nam tăng mạnh nên sản xuất thép cuộn trong nước bị ngưng trệ. Nếu tháng 2, thép cuộn sản xuất trong nước chiếm khoảng 30% thị phần trong nước thì đến tháng 3 chỉ chiếm dưới 20% thị phần. Quý 1/2009, sản lượng thép đạt 761.000 tấn, chỉ bằng 76% so với cùng kỳ năm 2008; tiêu thụ đạt 698.000 tấn, bằng 71%. Như vậy, sản xuất và tiêu thụ thép của Việt Nam trong quý 1 sụt giảm gần 30% so cùng kỳ năm 2008.
Trong khi đó, thép ASEAN bắt đầu nhập nhiều vào Việt Nam những tháng đầu năm 2009, chủ yếu là thép cuộn. Có nhiều trường hợp, các nhà nhập khẩu khi làm thủ tục hải quan nhập thép ASEAN (có from D) đã tận dụng sự không rõ ràng giữa quy định mã số hàng hóa 7213 (mức thuế 0%) và mã hàng hóa 7214 (mức thuế 5%) để gian lận thương mại, nên 2 tháng đầu năm 2009, lượng thép cuộn nhập khẩu vào Việt Nam tăng vọt (trên 47.000 tấn), tháng 2 số lượng nhập gấp đôi tháng 1/2009.
Vì thế, VSA đề nghị Chính phủ và các bộ liên quan kịp thời có chính sách đối phó với khủng hoảng ngành thép như một số nước đã áp dụng.
Chẳng hạn như Indonesia, do nhu cầu thép trong nước suy yếu, Chính phủ lập tức đề ra những quy định mới nhằm bảo vệ công nghiệp thép: Tất cả thép nhập khẩu sẽ phải thẩm tra bởi những giám sát viên độc lập tại các cảng chất hàng trước khi chuyển tới Indonesia. Từ 1/4/2009, các nhà sản xuất và nhập khẩu thép phải đăng ký lại với Bộ Thương mại. Tổng thống Indonesia cũng yêu cầu, tất cả các dự án Chính phủ phải sử dụng hàng hóa trong nước để tăng trưởng kinh tế nước nhà, đặc biệt là đối với sản phẩm thép, đồng thời thắt chặt kiểm soát nguyên vật liệu nhập khẩu tuân thủ theo Tiêu chuẩn quốc gia của Indonesia.
Những nước như Malaysia, Thái lan đều ban hành Tiêu chuẩn quốc gia mới chặt chẽ hơn để cản bớt việc nhập khẩu ồ ạt thép giá rẻ của các nước dư thừa. Quy định thủ tục hải quan phức tạp hơn nhằm kéo dài thời gian, kiểm soát chặt chẽ thép nhập khẩu để cố ý làm nản lòng và hạn chế thép nhập khẩu khi mà thép trong nước dư thừa.
Đó là những kinh nghiệm quý báu từ các nước lân cận mà Việt Nam có thể học hỏi, áp dụng trong lúc sản xuất, kinh tế suy giảm, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều lao động.
(CôngThương)