Hàng loạt dự án thép được triển khai nhưng giá thành vẫn đang là gánh nặng với ngành thép (Ảnh: Thép thành phẩm của nhà máy thép Việt Nhật) |
Vậy là từ 1/4/2009, thuế nhập khẩu sắt, thép đã tăng. Đây có vẻ là giải pháp “cấp cứu” kịp thời với thép nội, trước sự lấn át của thép ngoại. Nhưng tính chất “bất đắc dĩ” khi áp dụng giải pháp này là minh chứng rõ rệt cho sự yếu kém trong phát triển ngành thép VN.
Tập trung kích thích sức mua của thị trường nội địa, bảo vệ doanh nghiệp (DN) nội trước sự cạnh tranh của hàng ngoại nhập... là những biện pháp đã trở nên quen thuộc mà các quốc gia trong giai đoạn kinh tế khủng hoảng áp dụng. VN cũng không ngoại lệ và việc tăng thuế thép nhập khẩu (NK) vừa được công bố là nhằm vào mục đích ấy. Nhưng nếu vậy, thì biện pháp tăng thuế NK thép của Bộ Tài chính vừa công bố đã đủ để “cứu” DN ngành thép trong nước chưa?
Chênh lệch giá - DN nội than khó
Thời điểm đầu tháng 3/2009, giá FOB tại khu vực Viễn Đông và Địa Trung Hải chào bán phôi thép có lúc đã “rơi” xuống mức 270 USD/tấn. Từ đó, giá phôi thép tại khu vực này chào bán chỉ “quanh quẩn” quanh mức 300 USD/tấn. Nếu tính cả cước vận chuyển (40 - 50 USD/tấn), thì thép phôi về tới cảng VN mới có giá trong khoảng 340 – 360 USD/tấn.
Ngược lại, các DN trong nước đang sản xuất phôi với chi phí (chưa tính vận chuyển) không dưới 400 USD/tấn. Như vậy, chênh lệch giữa phôi nhập ngoại và phôi sản xuất trong nước sẽ vào khoảng 40 – 60 USD/tấn, tương ứng mức chênh lệch 10 – 15% về giá, và đó chính là tiềm năng lợi nhuận cực lớn mà không một DN nào có thể bỏ qua. Thế nên, việc các NM phôi trong nước ế ẩm vì không cạnh tranh nổi với phôi nhập ngoại cũng là điều dễ hiểu.
Chỉ riêng 2 tháng đầu năm 2009, lượng phôi thép NK về VN đã là gần 180.000 nghìn tấn. Trong khi đó lượng phôi tồn đọng tại các DN nội địa hết quý 1/2009 đã vào khoảng 390.000 tấn. Từ đây có thể nhận thấy, mức tăng thuế NK phôi từ 5% lên 8% là chưa đủ để hỗ trợ các DN phôi trong nước trong cạnh tranh với phôi NK.
Trên thị trường tiêu thụ, thời gian đầu năm 2009 chứng kiến sự sụt giảm nhu cầu thép thành phẩm tồi tệ nhất trong hơn 10 năm trở lại đây. Bất chấp giá thép thành phẩm liên tục giảm, sản lượng tiêu thụ thép trong nước vẫn sụt giảm mạnh, chỉ đạt khoảng 698.000 tấn, bằng khoảng 71% so cùng kỳ năm trước. Lượng thép sản xuất trong quý 1/2009 ước tính đạt khoảng 761.000 tấn, chỉ bằng 76% so với cùng kỳ năm 2008.
Trong khi đó, lại có lượng lớn thép xây dựng giá rẻ đã được NK về VN. Chỉ trong hai tháng đầu năm, Hiệp hội Thép VN (VSA) công bố đã có hơn 150.000 tấn thép xây dựng được NK. Lý do thép xây dựng NK về VN không hề mới, vì đã diễn ra ra từ lâu, là giá những loại thép này thấp hơn hẳn thép cùng loại sản xuất trong nước. Chênh lệch về giá giữa thép NK và thép trong là từ 500.000 – 700.000 VND/tấn. Nhu cầu tiêu thụ giảm dẫn cộng với giá thép nhập ngoại thấp hơn hẳn đã dẫn tới tồn đọng thép tại DN.
Thông tin từ VSA cho thấy, hiện đang có khoảng 220.000 tấn thép xây dựng đang tồn đọng tại DN. Theo phản hồi từ các DN kinh doanh, lượng thép xây dựng sản xuất trong nước tồn đọng chưa có dấu hiện dừng lại vì các DN NK vẫn tiếp tục bán nốt những lô hàng đã nhập với giá rẻ hơn thép nội. Các DN hi vọng tình hình kinh doanh sẽ sáng sủa hơn sau ít nhất hai tháng nữa, vì giá phôi thép thế giới vài ngày qua đã tăng nhẹ trở lại, và chính sách thuế NK mới ban hành (tăng lên thành 15%) sẽ hạn chế phần nào chênh lệch về giá giữa thép nội và thép ngoại, cộng với các biện pháp kích cầu của Chính phủ sẽ ít nhiều tác động tăng nhu cầu sử dụng thép xây dựng sản xuất trong nước.
Quyền lợi nhóm?
Thực ra, thép ngoại nhập giá rẻ hơn từ 500.000 - 700.000 VND so với thép sản xuất trong nước cũng có thể xem là đã làm lợi cho tiêu dùng. Nhất là khi thép chiếm tỷ trọng gần 10% trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Năm 2008 giá thép đóng góp tới 8,92% vào mức tăng CPI của VN. Thế nên, chặn đà hạ giá thép khó có thể nói là làm lợi cho tiêu dùng toàn xã hội vốn vẫn đang “liêu xiêu” vì giá thép quá cao trong những năm trước đó.
Cũng càng không thể nói là để bình ổn thị trường thép trong nước. Vì thị trường thép trong nước đang cần được kích thích sức mua và thép giá rẻ chính là liều kích thích hiệu quả nhất. Có nghĩa, liệu pháp tăng thuế NK vừa được ban hành chỉ nhằm mục đích có tính... bất đắc dĩ - là bảo vệ một số nhà sản xuất trong nước đang không cạnh tranh nổi với thép nhập ngoại.
Một hiện tượng được nhiều cơ quan, nhiều ngành chức năng cảnh báo, hiện đang có tình trạng một số nước bán phá giá thép và phôi thép vào VN. Và do vậy, cần phải tăng thuế NK để bảo vệ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rõ về quan điểm này. Thực tế là, giá thép phế liệu – vốn chiếm tới 60 – 70% giá thành sản xuất phôi thép – trên thị trường thế giới đã giảm rất mạnh, có thời điểm chỉ còn hơn 200 USD/tấn, giảm hơn 50% so với trước. Cộng với việc nhu cầu sụt giảm do khủng hoảng kinh tế thì đương nhiên giá thép thế giới sẽ bị kéo xuống mạnh mẽ. Thể hiện cụ thể là giá thép xây dựng trên thị trường thế giới suốt tháng 2 và 3/2009 chỉ dao động trong khoảng 500 – 530 USD/tấn, tức là chưa tới 10 triệu VND/tấn ngay cả khi tính theo tỷ giá VND/USD cao nhất.
Còn giá phế liệu NK về VN do VSA công bố là 250 USD/tấn, cộng với chi phí sản xuất thì giá phôi trong nước là gần 420 USD/tấn, tương đương 7,1 – 7,3 triệu VND/tấn. Qua các khâu vận chuyển, cán và phân phối, thép xây dựng cán từ phôi bán tới tay người tiêu dùng trong nước với giá từ 10,5 – 11,2 triệu VND/tấn, luôn cao hơn hẳn giá thép xây dựng trên thế giới. Thực tế do phụ thuộc vào phôi NK, nên giá thép xây dựng của VN luôn có “truyền thống” cao hơn giá thép thế giới. Do vậy, hoàn toàn có thể nói việc tăng thuế NK thép vừa công bố sẽ làm cho người tiêu dùng mất cơ hội mua được thép thành phẩm giá rẻ. Và điều này dường như sẽ đóng vai trò giữ giá, nếu không nói sẽ làm tăng giá thép trong nước.
Nhìn từ góc độ này có thể đặt câu hỏi: quyền lợi người tiêu dùng phải chăng đã phải hi sinh để bảo vệ quyền lợi của ngành thép, hay hẹp hơn là nhóm các nhà sản xuất thép? Ngành thép VN cần phát triển đáp ứng theo mục đích: cung ứng đủ nhu cầu thép trong nước và XK đồng thời giảm được giá thép trong nước. “Nhanh, nhiều, tốt, rẻ” - đó là những mục tiêu quan trọng, là tiêu chí phát triển của bất kỳ một ngành sản xuất nào. Nhưng với ngành sản xuất thép VN, sau hơn chục năm đạt được sự tăng vọt về số dự án, tổng vốn đầu tư, sản lượng..., thì cái cần nhất về giá thành sản phẩm liệu đã có sự đánh giá khách quan, nghiêm túc?