Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thép đổ tại điện cũng bắt đầu tăng giá

Từ ngày 12/8, giá thép xây dựng tăng 150.000 đồng/ tấn do tác động của việc tăng giá điện.
 
Ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt (đơn vị sản xuất thép Pomina) thừa nhận, "việc tăng giá thép lên 150.000 đồng/tấn là do chi phí vận chuyển, giá điện, nguyên liệu đầu vào tăng nên buộc phải tăng giá thép chứ không thể cầm cự, chịu lỗ mãi được".
 
TBKTSG dẫn lời một đại diện Cửa hàng Sắt thép Vĩnh Hưng ở Quận Gò Vấp, TP.HCM cũng cho hay, hiện giá thép xây dựng bán lẻ tại thành phố khoảng 14,9 triệu đồng/tấn, nếu tăng thêm 150.000 đồng/tấn cũng chỉ là mức tăng nhẹ, dự báo không tác động lớn đến sức mua trên thị trường sắp tới.
 
Thép tăng giá 150.000 đồng/tấn từ ngày 12/8
Thép tăng giá 150.000 đồng/tấn từ ngày 12/8
 
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổng lượng thép xây dựng tiêu thụ của các thành viên VSA trong 7 tháng đầu năm đạt 2,6 triệu tấn, tăng khoảng 3% so với cùng kỳ.
 
Đầu tháng 6/2013, Bộ Công thương và EVN cho rằng, phải áp mức giá điện riêng cho xi măng và thép là vì công nghệ của hai ngành này rất lạc hậu, dẫn đến việc tiêu tốn và lãng phí điện năng.
 
Ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam khẳng định,  công nghệ của ngành thép là rất hiện đại, còn công nghệ của chính ngành điện mới là lạc hậu.
 
"Nếu nói công nghệ của ngành thép lạc hậu thì chỉ đúng từ năm 2005 trở về trước, còn từ năm 2005 trở lại đây ngành thép đã đầu tư quá hiện đại. Ví dụ như có những lò sản xuất phôi thép ở Bà Rịa Vũng Tàu có năng suất 120 tấn/mẻ là lớn nhất Đông Nam Á, không có một lò nào là lớn hơn cả. Công suất 1 triệu đến 1,2 triệu tấn/năm và thiết bị của G7. Toàn bộ thiết bị luyện thép, cán thép là của G7 hết...
 
Chúng tôi, sẵn sàng cung cấp thông tin về các nhà máy cho ngành điện xem và đánh giá mức tiêu hao điện là bao nhiêu. Ngành điện cứ nói đại, nói theo thói của một anh được bao cấp, được chiều chuộng, phán quyết người khác mà người khác không được phán quyết mình", ông Nghi nói.
 
Ông Nghi đặt câu hỏi: "Ngành điện có bao nhiêu nhà máy nhiệt điện xếp vào loại tiên tiến? Có những nhà máy mà tôi nhớ Vinashin đã nhập cực kỳ lạc hậu ở Nam Định mà báo chí đã nói rất nhiều.
 
Với loại máy móc lạc hậu như vậy mà anh lại nhập khẩu về để sản xuất điện thì giá điện sẽ lên đến bao nhiêu? Tại sao ngành điện không kể đến những cái như thế? 
 
Vấn đề tiếp nữa mà tôi muốn nói đến là nếu chỉ áp riêng mức giá đối với ngành thép và xi măng, còn bỏ qua các ngành khác cũng tiêu tốn điện là không công bằng. Có lẽ vì EVN thấy có mỗi ngành thép và xi măng hiền lành và chí thú làm ăn quá nên nhắm vào chăng?" - Ông Nghi đặt ra câu hỏi.
 
Trước đó, lo ngại việc tăng giá xăng, điện sẽ ảnh hưởng đến biến động giá cả thị trường, Bộ Tài chính đã gửi công văn đề nghị các sở, ban ngành cũng như doanh nghiệp quản lý chặt tình hình giá cả, để đảm bảo rằng: tăng giá xăng, điện thực sự không ảnh hưởng đến giá cả các mặt hàng khác.
 
Liên Bộ Tài chính - Công thương đã cho phép các doanh nghiệp xăng dầu được phép tăng giá hai lần vào ngày 28/6 và 17/7. Tiếp đó, đến ngày 31/7, Tập đoàn EVN lại tiếp tục được sự chấp thuận của Bộ Công thương, tăng thêm 5% giá điện kèm theo khẳng định chắc như đinh đóng cột của Tổ nghiên cứu thị trường: việc giá xăng tăng, điện tăng không tác động nhiều đến giá cả thị trường.
 
Tuy nhiên, thực tế thị trường những ngày qua đã chứng minh điều ngược lại. Việc điều chỉnh liên tiếp giá của một số nguyên liệu vật tư đầu vào như xăng, điện, hay giá các dịch vụ y tế và học phí...đang khiến chỉ số giá tiêu dùng đứng trước áp lực tăng vào những tháng cuối năm và nhiều mặt hàng trong nước đã bắt đầu rục rịch lên giá.
 
Việc cứ "xin là cho" đã khiến Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh không dưới một lần phải phàn nàn: “Để như thế thì chết!”.
 
Theo ông Vinh, vai trò điều hành giá phải trên góc độ tổng thể và phải xem xét toàn bộ nền kinh tế, Chính phủ phải nhìn trước được các kịch bản lạm phát để can thiệp sớm.
 
“Không phải như xăng dầu xin tăng, bảo được là được tăng. Điện thuyết minh thấy hay là cũng cho... Tự phát như thế thì chết!”, Bộ trưởng Vinh nói. 

Nguồn tin: Đất việt

ĐỌC THÊM