Lượng thép tồn kho vẫn ở mức cao đang tiếp tục tạo nên gánh nặng lớn cho các doanh nghiệp (DN) trong ngành. Để giành giật thị phần, nhiều DN thép đã giảm mạnh giá bán xuống mức dưới giá thành nhằm đẩy mạnh tiêu thụ. Tuy nhiên, tình trạng này lại đang khiến cho thị trường thép cạnh tranh không lành mạnh và đẩy các DN lấn sâu vào nguy cơ thua lỗ kéo dài.
Lượng thép sản xuất trong 3 tháng gần đây đều "giảm dần đều" khi tháng 5 ước tính chỉ đạt 400.000 tấn, trong khi tháng 4 đạt 420.000 tấn và tháng 3 là 450.000 tấn. Bởi theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), đầu ra vẫn tắc nghẽn đang khiến cho các DN trong ngành phải cắt giảm sản xuất nhằm giảm áp lực hàng tồn.
Đua giành giật thị phần
Thực tế từ đầu năm đến nay, lượng hàng tồn kho thép vẫn dao động ở mức 300 - 310.000 tấn, là mức khá cao theo đánh giá của VSA và chưa có xu hướng giảm. Trong khi đó, thị trường lại có nhiều diễn biến khác thường khi đầu năm giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, sau đó giảm dần, càng tạo thêm gánh nặng về sản xuất cho DN.
Trong bối cảnh tiêu thụ thép đã chậm và xuống giá, nhiều DN trong ngành đã bán phá giá sản phẩm khiến cho các DN khác bất đắc dĩ buộc phải tham gia vào cuộc đua "giảm giá" để giữ thị phần. Tuy nhiên, diễn biến thị trường lại trái ngược với mong đợi của các DN, khi giá thép đã giảm sâu nhưng người mua vẫn chưa mặn mà đẩy mạnh tiêu thụ do xuất hiện tâm lý "chờ" giá thép giảm sâu hơn nữa.
Thực tế, tình trạng đua nhau giảm giá sản phẩm đã diễn ra khá phổ biến từ năm 2012, khi ngành thép ngập trong tồn kho do thị trường bất động sản "đóng băng". Không chỉ các sản phẩm nhập khẩu, giá thép đều đồng loạt giảm mạnh ở hầu hết các mặt hàng được sản xuất bởi những DN thép lớn, nhỏ.
Đơn cử như với sản phẩm ống thép, mặc dù lượng bán ra vẫn khá đều, nhưng giá bán của hầu hết các
DN đều giảm từ 300.000 - 500.000 đồng/tấn - là mức giảm khá sâu so với trước chỉ từ 200.000 - 300.000 đồng/tấn. Còn theo Tổng cục Hải quan, giá bán niêm yết của các đơn vị sản xuất thép đã có mức giảm khá mạnh vào cuối tháng 3, từ mức 300.000 - 1.000.000 đồng/tấn.
Thua lỗ và nguy cơ cùng "chìm"?
Hiện trên cả nước có gần 30 đơn vị sản xuất thép, đều có đặc thù riêng về năng lực, trình độ công nghệ và quản lý. Do đó, mỗi DN đều có chi phí, giá thành sản xuất khác nhau, nên thường đưa ra mức giá bán khác nhau. Tuy nhiên, việc các DN sử dụng các công nghệ lạc hậu, hoặc bán phá giá sản phẩm, theo đánh giá của VSA, là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng đến các DN có chi phí giá thành cao hơn để sản xuất ra sản phẩm có chất lượng.
Với lượng tiêu thụ thép trên thị trường hiện dao động ở mức 400.000 tấn, ông Nghi cho rằng "miếng bánh thị trường thép" vẫn chưa "nở" ra cho các DN. Cũng bởi, hiện những chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh vẫn chưa thực sự "ngấm" đến DN. Do vậy, việc cạnh tranh gay gắt, quyết liệt theo hướng giảm giá bán để giành thị phần của các đối thủ sẽ chỉ làm cho các DN càng rơi vào tình cảnh thua lỗ và triệt tiêu lẫn nhau.
"Tình trạng cạnh tranh nhau quyết liệt, căng thẳng đang diễn ra. Các DN giành giật nhau từng thị phần, nhưng "miếng bánh" chỉ có thế thôi. Do đó, Hiệp hội đã có cuộc họp với các DN và chỉ ra rằng thị trường chỉ có vậy thôi, nên trong bối cảnh lượng tiêu thụ khá chậm và không có thị trường, trong khi cung lại lớn hơn cầu, DN phải tự thỏa thuận mà chia nhau. Vì cạnh tranh quyết liệt, giành giật nhau và giảm giá chỉ làm cho các DN thiệt, đã lỗ càng lỗ thêm bởi về lâu dài, nếu người sản xuất bán sản phẩm bán dưới giá thành thì khả năng tái đầu tư cho sản xuất cũng không còn", ông Nghi nói.
Thực tế cho thấy lượng thép sản xuất trong tháng 5 chỉ đạt 400.000 tấn, với lượng tiêu thụ ước tính dao động khoảng từ 380.000 - 400.000 tấn. Trong khi đó, tháng 4, lượng sản xuất là 420.000 tấn, giảm 28.000 tấn so với tháng 3; lượng tiêu thụ giảm 400.000 tấn, với mức giảm tương ứng là 50.000 tấn. Một phần vì các chính sách tác động đến thị trường xây dựng chưa thực sự "ngấm" vào thị trường, nên việc tiêu thụ chưa thực sự khởi sắc, nhưng các chuyên gia trong ngành còn cho rằng chính việc các DN đua nhau hạ giá sản phẩm đã khiến cho người mua chưa quyết định tiêu dùng do có tâm lý chờ giá hạ sâu hơn nữa. Điều này càng khiến cho thị trường thép rơi vào ảm đạm.
Không muốn nói nhiều hơn về tình cảnh của ngành thép, ông Nghi chỉ cho Thời báo Kinh Doanh biết rằng: hầu hết các DN đang lỗ.
Điều đáng chú ý là trong bối cảnh ngành thép cung đang lớn hơn cầu, thì mới đây, một số DN thép lại tiếp tục đưa sản phẩm mới ra thị trường, ngay cả với những sản phẩm đang dư thừa, như: thép thanh, thép dây. Thực trạng này càng làm cho ngành thép rơi vào cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn khi những DN mới gia nhập một thị trường đã bão hòa nên phải "giành giật" thị phần của những DN cũ. Và đây cũng sẽ là nguyên nhân càng khiến cho DN thép "lấn sâu" vào cuộc đua hạ giá mà không có đường ra.
Nguồn tin: Stockbiz