Thời gian gần đây, một số mặt hàng như sắt, thép xây dựng, đường, sữa... tuy giá nguyên liệu đầu vào đã giảm, nhưng giá bán sản phẩm trong nước lại đang tăng. Đã bắt đầu có những lo ngại về việc những mặt hàng này có thể bị làm giá…
Sau một thời gian giảm giá, từ đầu tháng 7 đến nay, giá thép xây dựng đã tăng trở lại. Các hãng sản xuất thép đã đẩy giá tăng thêm 1 triệu đồng/tấn, cho đến ngày 20/7, giá thép bán lẻ đã lên gần 14,5 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, trong tháng 6 vừa qua, giá phôi thép thế giới giảm và chỉ còn 500 USD/tấn. Với giá này, các doanh nghiệp sản xuất thép chỉ cần bán trên 12 triệu đồng/tấn là đã có lãi chút ít.
Trong tháng 7, giá phôi thép thế giới có nhích lên nhưng không đáng kể. Từ đầu năm đến nay, lượng thép thành phẩm nhập khẩu vào nước ta đã lên đến 222.000 tấn. Riêng trong tháng 6 vừa qua, dù giá thép trong nước giảm, nhưng thép nhập khẩu vẫn tràn về với số lượng lớn, giá bán rẻ hơn hàng trong nước cùng loại từ 500.000-600.000 đồng/tấn. Hiện tại, giá thép trong nước tăng thêm 1 triệu đồng/tấn sẽ là cơ hội vàng cho thép ngoại tràn về.
Hơn tuần nay, giá đường trong nước liên tục leo thang. Theo một tính toán, giá đường nhập khẩu về Việt Nam sau khi cộng tất cả các khoản chi phí, thuế cũng chỉ khoảng 12.000-13.000 đồng/kg, nhưng giá đường bán lẻ trong nước hiện đã lên đến 20.000 đồng/kg.
Điều đáng lo ngại là giá đường trong nước tăng hoàn toàn không phải vì thiếu hàng, ngược lại, theo số liệu từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam, lượng đường tồn kho tại các doanh nghiệp hiện vẫn còn rất lớn, hơn 300 ngàn tấn, chưa kể còn 90 ngàn tấn đường chưa nhập về, trong khi nhu cầu tiêu thụ hiện mỗi tháng chỉ khoảng 60-70 ngàn tấn. Mới đây, Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương đã thống nhất cho phép nhập khẩu thêm 150.000 tấn đường.
Nguồn: VTV