Với lượng tồn kho khoảng 500.000 tấn ở thời điểm này, nhiều doanh nghiệp ngành thép đang lâm vào cảnh vừa làm, vừa nghỉ, thậm chí có thể phá sản.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép (VSA) cho hay, lượng tồn kho 500.000 tấn thép là mức khá hiếm trong ngành thép từ trước tới nay (bình thường chỉ 200.000 - 300.000 tấn). Điều này cho thấy, tình cảnh khó khăn trong bán hàng của các doanh nghiệp (DN) thép.
Một số DN cán thép nhỏ ở Hải Phòng, Thái Nguyên được ông Cường nhắc tới là “khó qua khỏi trong giai đoạn khó khăn, ế ẩm hiện nay. “Với mức lãi suất ngân hàng hiện nay (18-20%/năm), mỗi tấn thép sẽ gánh thêm 200.000-300.000 đồng tiền lãi, vì DN phải vay vốn lưu động gần như hoàn toàn”, ông Cường nói.
Thông tin từ ngành thép cho hay, do thiếu nguyên liệu, lò cao của Công ty Thép Vạn Lợi hiện cứ hoạt động 1 tháng lại nghỉ 1 tháng. Sản phẩm làm ra của DN này tuy không lớn, nhưng bán hàng cũng gặp khó khăn trong giai đoạn thị trường giảm sút hiện nay. Đó là chưa kể, tiền bán hàng không về đến két của DN, do bị ngân hàng siết nợ, vì vay cả nghìn tỷ đồng. Hai lò cao của Công ty cổ phần Thép Đình Vũ cũng được giới làm thép nhìn nhận là “gần như không hoạt động”, chỉ có lò điện 30 tấn/mẻ hoạt động sau khi đổi chủ mới.
“Trên thế giới, lò cao thường hoạt động 7-10 năm mới dừng nghỉ, nhưng ở Việt Nam, hoạt động theo tuần suất 1 tháng hoạt động, 1 tháng dừng, sẽ làm tăng chi phí, vì phải dùng nhiều than coke đắt tiền cho mỗi lần vận hành lò trở lại. Đầu tư như vậy không hiệu quả và rất lãng phí”, một chuyên gia ngành thép lo ngại.
Không chỉ lo khó bán hàng khi thị trường xây dựng đóng băng, ngân hàng siết chặt cho vay như hiện nay, nhiều DN thép bắt đầu tính chuyện phá sản, bởi hụt hơi trong cuộc cạnh tranh với thép nhập khẩu.
Theo ông Cường, không cần tới năm 2017, khi hàng rào thuế quan với ngành thép không còn nữa mới có nhiều DN nội không trụ vững. Ngay tại thời điểm này, nhiều nhà đầu tư đã muốn rút lui khỏi ngành thép. Đây cũng là hệ quả của việc đầu tư dàn trải, manh mún, mạnh ai nấy làm tại nhiều DN lẫn địa phương, bên cạnh sự bất lực của cơ quan quản lý ngành.
Tới năm 2009, Bộ Công thương mới ra được quy định tạm thời cho các DN đầu tư làm phôi thép, như dung tích lò cao tối thiểu là 500 m3, còn nếu dùng quặng nhập khẩu, bố trí tại khu vực ven biển thì dung tích lò tối thiểu là 1.000 m3 công suất tối thiểu là 70 tấn/mẻ...
Tuy nhiên, dường như các quy định này cũng không được địa phương tuân thủ trong quá trình cấp phép đầu tư vào ngành thép. Theo thống kê của VSA, cả nước hiện có 31 lò điện, nhưng dung tích lò cao nhất cũng chỉ tới 300 m3. Các dự định xây lò có dung tích 500 m3 vẫn dừng lại trên giấy. Trong khi đó, ông Chu Đức Khải, chuyên gia của UNIDO cho hay, kết quả khảo sát 18 DN trong ngành thép tại Việt Nam cho thấy, tài nguyên và các nguồn lực đang bị lãng phí lớn tại nhiều DN sản xuất thép.
“Làn sóng đổ bộ vào ngành thép thời gian qua cũng chứng kiến nhiều DN trong nước cố tình nhập khẩu công nghệ, thiết bị không còn được phép sử dụng ở Trung Quốc để về làm nhà máy thép tại Việt Nam”, ông Khải nói.
Trong khi đó, Trung Quốc hiện đã đưa ra các thông số rất cụ thể và chặt chẽ cho các DN muốn đầu tư vào làm thép. Đó là, phải đảm bảo các tiêu chuẩn phát thải về khi, rắn, lỏng ra môi trường nếu không muốn bị đóng cửa nhà máy. Ngoài ra, dung tích lò cao phải đạt tối thiểu 1.000 m3 và trên 3.000 m3 nếu nhà máy được xây dựng ở các cảng nước sâu. Đồng thời, nhanh chóng loại bỏ các thiết bị lạc hậu như lò cao có dung tích dưới 300 m3, lò điện hồ quang có công suất dưới 20 tấn/mẻ…
Bởi vậy, khi phải cạnh tranh quyết liệt với các sản phẩm nhập khẩu, phần thua luôn thuộc về các DN “ăn xổi” và xã hội lãng phí vốn đầu tư cho những dự án manh mún, kém hiệu quả.
Nguồn tin: (Baodautu.vn)