Đang giữa mùa xây dựng nhưng thị trường thép vẫn chưa thể “ấm” lên, trái lại càng lúc càng “lạnh” thêm. Người kinh doanh ngao ngán, nhà sản xuất sốt ruột, thị trường sắt thép đang “mất nhiệt” dần.
Bước sang năm 2013, không ít nhà kinh doanh thép ngậm đắng do giá thép bất ngờ đổi chiều. Nhiều doanh nghiệp (DN) bị bốc hơi tiền tỷ do thép giảm giá.
* Thị trường sụt giảm
Bà Ngô Thị Liên, chủ cửa hàng bán vật liệu xây dựng ở phường An Bình (TP.Biên Hòa), cho biết trước đây trung bình mỗi tháng cửa hàng của bà tiêu thụ trên 20 tấn thép các loại. Nhưng từ sau Tết Nguyên đán 2013 đến nay, mỗi tháng cửa hàng chỉ bán được hơn 10 tấn, chưa bằng những tháng thấp điểm của các năm trước. “Thời điểm 3 tháng trước tết hàng bán rất chạy, riêng tháng 11 cửa hàng của tôi bán gần 30 tấn sắt, thép các loại, còn hai tháng 12 và tháng 1-2013 cũng đạt 25 tấn” - bà Liên nói. Thông thường, sau Tết Nguyên đán thị trường sắt, thép sẽ sôi động hơn so với trong năm, nhưng riêng năm nay thì ngược lại.
Cửa hàng kinh doanh sắt thép vắng khách dù đang mùa xây dựng. Ảnh chụp tại một cửa hàng trên đường Phạm Văn Thuận, TP. Biên Hòa. Ảnh: B. Nguyên |
Chị Hoàng Hoài Như, Trưởng phòng kinh doanh Nhà máy sản xuất tôn Tuấn Hoàng Ngọc Sơn (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa), cho hay so với cuối năm 2012, giá sắt, thép và tôn giảm từ 500-1.500 đồng/kg tùy loại. Giá thép xà gồ xuất xưởng tại đây chỉ có 17 ngàn đồng/kg và tôn là 21 ngàn đồng/kg, nhưng sức mua của thị trường cũng khá yếu. Trung bình các năm trước, mỗi tháng Nhà máy tôn Tuấn Hoàng Ngọc Sơn tiêu thụ khoảng 500 tấn hàng (tôn, xà gồ và ống thép các loại), nhưng hiện tại chỉ đạt 400 tấn/tháng. Chị Như chia sẻ: “Năm nào cũng từ khoảng tháng 2 đến tháng 5, giá thép thường tăng nhưng năm nay thì ngược lại. Thời gian qua DN nào trữ thép sẽ khó tránh khỏi chuyện bị lỗ”. Chủ một DN kinh doanh thép ở phường Hố Nai cũng thừa nhận như trên, chỉ hơn 2 tháng vừa qua DN này đã bị “bốc hơi” 1,5 tỷ đồng do thép giảm giá.
* Ngán ngại thép ngoại
Theo nhận định của các DN, lượng thép tiêu thụ trong 4 tháng đầu năm nay chỉ bằng 70-80% so với cùng kỳ năm 2012, không ít DN phải bán dưới giá thành để cắt lỗ. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thép Tiến Lên (TP.Biên Hòa), cho biết nhiều năm nay kinh tế khó khăn, giá thép thường xuyên giảm. Từ tháng 2 trở lại đây thị trường thép lại càng xấu đi, hiện tại giá thép trên thế giới đang giảm khoảng 100 USD/tấn. Năm nay, lượng hàng tiêu thụ của Tập đoàn thép Tiến Lên tiếp tục giảm 20% so với năm 2012. Ông Hà lo ngại bởi thép Trung Quốc đang gây áp lực mạnh với thép trong nước. “Giá thành sản xuất thép của Trung Quốc đã rẻ hơn Việt Nam, nhưng hiện nay ngành xây dựng của nước này cũng đang bị giảm mạnh, các nhà sản xuất thép bán xả hàng. Chính vì vậy giá thép Trung Quốc lại càng rẻ, càng gây áp lực cho thép Việt Nam” - ông Hà nói. Theo đó, những tháng còn lại trong năm nay cũng khó có thể đoán được diễn biến của thị trường thép.
Tính toán của Bộ Xây dựng cho thấy, ước tổng lượng thép sản xuất trong cả quý I-2013 giảm khoảng 30 ngàn tấn so với cùng kỳ năm 2012. Rõ ràng, năm nay hoạt động xây dựng yếu hơn so với năm ngoái, kéo theo lượng thép sử dụng giảm đáng kể. |
Theo anh Nguyễn Đình Toàn, Giám đốc Công ty cổ phần thiết kế và xây dựng Tân Đỉnh Phát (phường Long Bình, TP.Biên Hòa), năm 2013 ngay cả những công trình xây dựng bằng vốn ngân sách cũng giảm nhiều nên ngành vật liệu xây dựng gặp khó khăn trong đó có sắt, thép. Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), hiện lượng thép tồn kho của các nhà máy vẫn còn khoảng 300 ngàn tấn, lượng thép tiêu thụ của quý I năm nay giảm khoảng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.