Tổng công suất của các nhà máy thép trong nước lên đến 17 triệu tấn/năm trong khi mức tiêu thụ năm 2012 chỉ khoảng 10,5 triệu tấn
Mặc dù giá thép bán chỉ còn khoảng 15,6 - 17,1 triệu đồng/tấn, tùy loại, giảm hơn 1 triệu đồng/tấn so với những tháng đầu năm nhưng thị trường ế ẩm đã khiến nhiều nhà máy phải đóng cửa.
Tiêu thụ giảm 9%
Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, hồi đầu năm, dự báo sức tiêu thụ thép năm 2012 sẽ tăng từ 3%-4%, tuy nhiên thực tế lại âm 9%. Vào thời điểm giữa năm, sức tiêu thụ rất thấp, chỉ dao động trên dưới 300.000 tấn thép/tháng, trong khi mức bình thường phải từ 400.000 - 500.000 tấn/tháng.
Bất động sản đóng băng, thép xây dựng bị ế. Trong ảnh: Một góc cơ ngơi của Nhà máy Thép Pomina
Đang vào mùa xây dựng nhưng sức tiêu thụ khá chậm, dẫn đến lượng thép tồn kho của doanh nghiệp trong hiệp hội lên đến 330.000 tấn thành phẩm trong tháng 11 vừa qua (chưa kể lượng phôi tồn kho), cho dù các nhà máy đã giảm mạnh sản xuất. Ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty TNHH TM&SX Thép Việt (Pomina), cho biết doanh số tiêu thụ thép doanh nghiệp của Pomina giảm 13% so với năm ngoái. Đến nay, thị trường xây dựng vẫn ì ạch, chưa thấy có dấu hiệu khởi sắc.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, trong 11 tháng đầu năm, Tổng Công ty Thép Việt Nam chỉ sản xuất được 2,1 triệu tấn, chỉ bằng 76,7% so với kế hoạch và giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Dù sản xuất giảm nhưng đến nay, Tổng Công ty Thép Việt Nam vẫn có mức tồn kho lớn, như: phôi tồn kho 101.000 tấn, thép cán dài 123.000 tấn, thép cán dẹt 4.000 tấn, sản phẩm sau cán 30.000 tấn.
Năng lực thừa 62%
Trong khi đó, thép ngoại tràn vào với số lượng lớn, đã gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp trong nước. Ông Đỗ Duy Thái cho biết từ đầu năm đến nay, lượng thép nhập có nguồn gốc từ Trung Quốc tăng 500% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá thép Trung Quốc thấp hơn thép trong nước 2 triệu đồng/tấn. Trước đây, chỉ có các loại thép cuộn xâm nhập, nay thép cây của Trung Quốc cũng tràn sang. Theo số liệu từ Bộ Công Thương, 11 tháng qua, Việt Nam đã nhập 6,98 triệu tấn thép, tiêu tốn 5,5 tỉ USD, trong đó nhập từ Trung Quốc 2,15 triệu tấn, từ Nhật 1,94 triệu tấn và Hàn Quốc 1,36 triệu tấn. Ông Đỗ Duy Thái nhận định thị trường tiêu thụ chậm, lại bị thép Trung Quốc giá rẻ lấn sân, đã gây nhiều thiệt hại cho ngành thép trong nước. Hiện có 30% số nhà máy thép phải đóng cửa, nhiều đơn vị chỉ hoạt động cầm chừng.
Ông Nguyễn Tiến Nghi cho biết trong tháng 11 vừa qua đã có thêm 10 nhà máy sản xuất thép mới đi vào hoạt động, với tổng công suất thiết kế lên đến 1,5 triệu tấn phôi và 1,5 triệu tấn thành phẩm. Như vậy, tính đến thời điểm này, tổng công suất các nhà máy thép trong nước lên đến 17 triệu tấn/năm, trong khi mức tiêu thụ trong năm 2012 chỉ khoảng 10,5 triệu tấn, năng lực thừa 62%. Vì vậy, các doanh nghiệp không chỉ cạnh tranh với thép nhập khẩu mà còn phải cạnh tranh mạnh với chính đồng nghiệp của mình trên sân nhà. Để giải quyết vấn đề thừa năng lực sản xuất, các bộ, ngành đang xúc tiến việc xuất khẩu thép để mở thị trường tiêu thụ cho doanh nghiệp.
Nguồn tin: NLĐ