Dự báo giá thép thế giới trong năm 2017 chỉ 39 USD/tấn, trong khi khai thác quặng sắt ở mỏ Thạch Khê mất đến 50 USD/tấn nhưng Bộ Công Thương vẫn muốn khởi động mỏ này với vốn đầu tư khoảng 7.000 tỉ đồng
Trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề quy hoạch ngành thép, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng - Bộ Công Thương, cho biết với việc xử lý mỏ sắt Thạch Khê, cần nguồn vốn khoảng 7.000 tỉ đồng và phải tái cơ cấu cổ đông.
Để thực hiện việc này, Bộ Công Thương kêu gọi nguồn vốn từ các doanh nghiệp (DN) tư nhân như Tập đoàn Hòa Phát, Tôn Hoa Sen… Đây cũng là những DN sẽ tiêu thụ quặng sắt. Tuy nhiên, dựa trên thực trạng ngành khai khoáng cũng như nhu cầu hiện nay của các DN, hiệu quả kinh tế của dự án lại không được đánh giá cao.
Đại diện Công ty Phát triển số 1 (Yên Bái) cho biết đang tồn kho 200.000 tấn quặng sắt chủng loại Manhetit. Báo cáo gửi Bộ Công Thương của DN này nêu rõ đã đầu tư liên hợp chế biến sắt với tổng vốn khoảng 1.300 tỉ đồng nhưng khi nhà máy đi vào hoạt động thì không được xuất khẩu, chỉ bán trong nước. Hiện nhu cầu sử dụng quặng sắt trong nước rất hạn chế. Các tổng công ty, tập đoàn không có nhu cầu hoặc có mua thì chỉ trả giá bằng nửa giá thành sản xuất.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với Công ty CP Khai khoáng Minh Đức (Lào Cai) khi DN này tồn kho 200.000 tấn quặng sắt cùng chủng loại. Đánh giá về quặng sắt của Việt Nam, đại diện Công ty CP Thép Hòa Phát cho rằng với chi phí vận chuyển lớn, nhiều khi mua quặng từ Úc rẻ hơn chở quặng từ Lào Cai về.
Rất ít doanh nghiệp thép có nhu cầu sử dụng quặng sắt khai thác trong nước để sản xuất
Theo một chuyên gia hoạt động nhiều năm trong ngành khai khoáng, cả thế giới không có mỏ sắt nào đặc thù như mỏ Thạch Khê. Mỏ này nằm sâu dưới mặt nước biển đến hơn 500 m, xung quanh bờ là cát, lại ở địa phương có lượng mưa rất lớn, khoảng 300-400 mm. Với lượng mưa lớn như thế, giới chuyên gia cho rằng mỗi năm phải dừng khai thác khoảng 3 tháng.
“Mỏ nằm sâu dưới mực nước biển nên muốn khai thác phải bơm nước đi. Do đó, chỉ có thể khai thác khoảng hơn một nửa trữ lượng, tức là đến độ sâu 300m. Nếu khai thác sâu hơn sẽ không hiệu quả bởi tiền bơm nước, tiền điện, chi phí bốc đất, đá rất lớn. Chưa kể, đây là mỏ rất đặc biệt, xung quanh là cát nên theo tư vấn nước ngoài, phải dành 3 năm xây dựng bờ mỏ để ổn định” - một chuyên gia về khai khoáng phân tích.
Trong khi đó, chất lượng quặng ở Thạch Khê lại không bảo đảm yêu cầu để sản xuất thép nên khó bán được. Thực tế, có DN nước ngoài từng quyết định “tạm biệt” Việt Nam dù đã mất khá nhiều tiền đầu tư ban đầu bởi phát hiện hàm lượng kẽm trong quặng sắt cao gấp 10 lần quặng thương phẩm đang bán trên thế giới.
Từ góc nhìn quy hoạch ngành, giới chuyên gia cũng cho rằng tư duy hình thành các liên hợp thép khổng lồ như Bộ Công Thương đưa ra dựa trên tiềm năng về quặng sắt ở một số mỏ lớn, trong đó có Thạch Khê, cần phải xem xét lại. Tiềm năng quặng sắt của Việt Nam có thể lên tới 1,3 triệu tấn, riêng Thạch Khê chiếm đến gần một nửa nhưng rất nhiều mỏ không thể khai thác được bởi nằm ở vị trí hẻo lánh, đặc thù địa chất quá đặc biệt. Hiện nay, giá quặng sắt trên thị trường thế giới giảm mạnh, dự báo đến năm 2017 chỉ còn dưới 39 USD/tấn, trong khi khai thác mỗi tấn quặng tại mỏ Thạch Khê phải mất 50 USD trở lên.
Gây hại cho môi trường
Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Đúc luyện kim Việt Nam, thời điểm dự án Thạch Khê mới triển khai vào năm 2009, việc khai thác đã để lại hậu quả là gây mất nước, hạn hán tại nhiều địa phương xung quanh. Nguyên nhân là bởi việc khai thác phải bóc tầng đất, hút nước ngầm đổ ra biển khiến ao hồ, sông suối cạn kiệt, gây mất mùa nặng nề.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng công nghệ khai thác quặng hiện nay sẽ gây tổn thất quặng rất lớn, ô nhiễm môi trường. Nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài cũng đã tuyên bố sẽ nhập khẩu quặng để sản xuất cho đến khi Việt Nam bảo đảm được về công nghệ và giá thành.
Nguồn tin: Thể thao