- Liên tiếp trong tháng 10 vừa qua, Tổng Công ty Thép Việt Nam tiến hành nhiều đợt giảm giá đối với các loại thép sản xuất trong nước. Một số công ty thép lại phải tìm cách để giảm các chiết khấu thương mại. Nguyên nhân một phần được xác định do thị trường thép đang có hiện tượng cung vượt cầu.
Giá giảm, tiêu thụ vẫn giảm
Ngày 12-10, lần đầu tiên kể từ quý II-2009, Tổng Công ty Thép Việt Nam giảm giá bán đối với một số loại thép. Tiếp đó, vào các ngày: 21, 26 và 28-10, doanh nghiệp này lại giảm giá các mặt hàng thép thêm nữa. Tính đến cuối tháng 10, giá thép cuộn đang ở mức 10,5-10,9 triệu đồng/tấn, chưa bao gồm thuế VAT, giảm gần 1 triệu đồng/tấn so với mức giá lúc cao nhất vào quý II năm nay. Tuy nhiên, mức giảm giá này không kéo lượng thép tiêu thụ được trong tháng 10 nhích lên. Trong tháng, lượng thép tiêu thụ đạt 286.966 nghìn tấn, giảm nhẹ so với tháng 9 và giảm trung bình gần 100.000 tấn/tháng so với các tháng trước đó. Ông Nguyễn Tiến Nghi-Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết: “Mức tiêu thụ tháng 10 đạt được như vậy là nhờ các doanh nghiệp giảm giá rồi. Nếu không giảm giá, tiêu thụ có thể còn thấp nữa”. Điểm đáng chú ý là theo thông lệ, tháng 10 là mùa khô, nhu cầu xây dựng trong nước thường rất cao.
Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, từ đầu tháng 9, giá phôi thép trên thế giới giảm 50-60 USD/tấn, giá thép phế giảm khiến giá thép thành phẩm giảm. Đồng thời, thị trường thép các nước trong khu vực ASEAN và Trung Quốc bắt đầu có hiện tượng cung vượt cầu. Các nước có chính sách khuyến khích xuất khẩu, một lượng lớn thép từ khu vực ASEAN với lợi thế được hưởng thuế nhập khẩu 0% (đối với thép sản xuất có tỷ lệ nội địa hóa 40% và công nghệ 2 bước) đã tràn vào Việt Nam. Tính đến ngày 15-10, lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam ước đạt 35.000 tấn, trong đó chủ yếu là thép cuộn, và thép ASEAN chiếm hơn 60% tổng lượng thép nhập khẩu. Những tác động từ thị trường thép thế giới lập tức khiến giá thép nội địa giảm. Người tiêu dùng trong nước thấy vậy lại “nghe ngóng”, chờ giá hạ thêm nên các doanh nghiệp buộc phải giảm giá để tránh ứ đọng.
Đối mặt với tình trạng dư thừa
Chỉ tính riêng tháng 10, các doanh nghiệp trong Hiệp hội thép đã sản xuất được 354.937 tấn thép xây dựng thành phẩm khiến lượng thép dư thừa trong tháng 10 ước đạt gần 70.000 tấn. Và tính chung 10 tháng đầu năm nay, lượng thép xây dựng còn tồn kho tại các công ty sản xuất thép trong Hiệp hội thép là hơn 291,4 nghìn tấn. Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, lượng dư thừa này khá cao. Mức dư thừa trung bình được xác định ở khoảng 220-230 nghìn tấn tính đến cùng thời điểm. Hiệp hội thép Việt Nam dự báo, tổng lượng thép các loại dư thừa trong năm nay ước đạt khoảng 2 triệu tấn.
Đối với thị trường xuất khẩu, hiện nay thép Việt Nam mới được khẳng định tại một số thị trường nhỏ: Campuchia, Lào, Myanmar. Một số thị trường lớn khác nhập khẩu thép của Việt Nam chỉ mang tính cục bộ. Bởi vậy, trong tình hình này, có thể không ít doanh nghiệp thép Việt Nam sẽ phải sản xuất cầm chừng.
Bên cạnh đó, lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam vẫn đáng lo ngại. Nếu doanh nghiệp thép Việt Nam không có biện pháp giảm chi phí, đưa ra các sáng kiến tiết kiệm, mức chênh lệch giá với thép ngoại vẫn cao thì nguy cơ mất thị phần càng lớn. Cái khó của doanh nghiệp thép Việt Nam trong việc giảm giá lại liên quan đến vấn đề quy hoạch. Rất nhiều dự án thép đang được triển khai cũng tiềm ẩn những nguy cơ dẫn đến dư thừa. Trong đó, điển hình nhất là những nhà máy thép công suất nhỏ, công nghệ lạc hậu, nằm xa các cảng biển. Gần đây nhất, một nhà máy luyện gang mới tại tỉnh Thái Nguyên với công suất rất nhỏ 200 nghìn tấn/năm đã đi vào hoạt động. “Mặc dù nhà máy nằm trong vùng có nguồn quặng, nhưng chưa thể khẳng định nguồn quặng có đáp ứng đủ trong vòng 30-50 năm hay không. Hơn nữa, muốn nhập hàng hay xuất hàng, nhà máy đều phải vận chuyển bằng ôtô, chi phí vận tải sẽ khiến giá sản phẩm tăng lên. Thép phế là loại có thể vứt ra ngoài trời được nhưng khi doanh nghiệp phải thuê vận chuyển bằng container đến nơi sản xuất thì không thể cạnh tranh. Xây dựng nhà máy như vậy chỉ gây phá vỡ quy hoạch, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng và làm tăng nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh” - ông Nguyễn Tiến Nghi nhấn mạnh.
(ANTĐ)