Chi phí nguyên vật liệu, cước phí vận chuyển đều tăng vọt khiến lợi nhuận quý I/2022 của hầu hết các doanh nghiệp ngành thép đi xuống.
Lợi nhuận giảm mạnh
Số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, trong quý đầu năm nay, tiêu thụ thép thành phẩm đạt 8,137 triệu tấn, tăng 11,9% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, xuất khẩu thép đạt khoảng 2.275 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt 2,3 tỷ USD, giảm 22,15% về khối lượng nhưng lại tăng 12,53% về giá trị so với cùng kỳ. Tuy vậy, hiệu quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong ngành lại không biến động thuận chiều.
Báo cáo kết quả kinh doanh quý I của Tổng công ty Thép Việt Nam - VNSteel (mã TVN) cho thấy đà giảm mạnh lợi nhuận tại các đơn vị thành viên, đặc biệt là ở mảng thép xây dựng và tôn mạ.
Cụ thể, ở mảng thép xây dựng, Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam lãi trước thuế 5 tỷ đồng, chỉ bằng 7% kết quả cùng kỳ; CTCP Thép Vicasa (mã VCA) lãi trước thuế 11,1 tỷ đồng, giảm 21,76% so với cùng kỳ; CTCP Thép Thủ Đức (mã TDS) lãi hơn 8 tỷ đồng, giảm 37,21% so với cùng kỳ.
CTCP Gang thép Thái Nguyên (mã TIS) cũng suy giảm lợi nhuận tới 35%, chỉ còn 29,2 tỷ đồng. Ở mảng tôn mạ, CTCP Tôn mạ VNSteel Thăng Long (mã TVT) ghi nhận số lãi vẻn vẹn 73 triệu đồng, trong khi cùng kỳ con số 27,6 tỷ đồng của cùng kỳ. Công ty Tôn Phương Nam (SCCS) cũng có lợi nhuận sụt giảm 23%, xuống còn 30,1 tỷ đồng.
Theo VNSteel, nguyên nhân chính khiến nhiều công ty thành viên suy giảm lợi nhuận là biến động kinh tế - chính trị thế giới, đặc biệt là ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine đã đẩy giá các nguyên liệu đầu vào của ngành thép như quặng sắt, than, khí đốt và cước vận chuyển tăng mạnh.
Tương tự, CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (mã TLH) dù đạt doanh thu 1.796 tỷ đồng trong quý I, tăng tới 83% so với cùng kỳ, song lãi sau thuế đạt 86,3 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ.
Đặt mục tiêu đi lùi trong năm 2022
VNSteel công bố kế hoạch doanh thu năm nay đạt 38.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 500 tỷ đồng, lần lượt giảm 6,4% và 51,6% so với thực hiện 2021.
Thép Vicasa, công ty thành viên của VNSteel đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế ở mức 16,56 tỷ đồng, giảm gần 55% so với năm 2021. Sự thận trọng trong kế hoạch lợi nhuận của VCA xuất phát từ dự báo giá thép quay đầu giảm trong năm 2022 và cạnh tranh trên thị trường gay gắt hơn.
Tương tự, Thép Thủ Đức đặt kế hoạch lãi sau thuế năm nay đạt hơn 19 tỷ đồng, giảm 56% so với mức thực hiện năm 2021. Hay Gang thép Thái Nguyên dù đặt kế hoạch doanh thu đạt 20.105 tỷ đồng, tăng 56% so với năm trước, nhưng lợi nhuận trước thuế kế hoạch lại suy giảm 29,4%, với 110 tỷ đồng.
Thép Tiến Lên thì đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 5.500 tỷ đồng, tăng trưởng 18% so với doanh thu thực hiện năm trước và lợi nhuận sau thuế là 300 tỷ đồng, giảm 35% so với số lãi thực hiện của năm 2021. Như vậy, kết thúc quý I, TLH đã thực hiện được 28% kế hoạch lợi nhuận và 32% mục tiêu doanh thu cả năm.
Tập đoàn Hoa Sen lại đưa ra 3 kịch bản kinh doanh cho năm nay; trong đó, kế hoạch về sản lượng được đề ra là 2 triệu tấn và doanh thu 46.399 tỷ đồng cho cả 3 phương án. Riêng với chỉ tiêu lợi nhuận có ba mức: 1.500 tỷ đồng, 2.000 tỷ đồng và 2.500 tỷ đồng, phụ thuộc vào diễn biến giá nguyên liệu đầu vào.
Các chỉ tiêu kinh doanh năm nay ghi nhận giảm 11,1% về sản lượng, gần 5% về doanh thu và giảm từ 42 - 65% về lợi nhuận sau thuế so với thực hiện niên độ 2020 - 2021.
CTCP Tôn Nam Kim (mã NKG) lên kế hoạch tổng doanh thu 28.000 tỷ đồng, tương đương thực hiện năm trước và lợi nhuận sau thuế 1.600 tỷ đồng, giảm 28%. Hay CTCP Đầu tư Thương mại SMC (mã SMC) đặt mục tiêu doanh thu năm nay đạt 20.000 tỷ đồng, giảm 6,2%; lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng, giảm 66,8% so với năm 2021.
VNSteel nhận định trong thời gian tới, giá nguyên liệu thế giới còn tiếp tục tăng cao khi nguồn cung bị thắt chặt, chi phí tăng cao sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến việc mua nguyên liệu của các đơn vị, hiệu quả kinh doanh tiếp tục bị ảnh hưởng.
Với thị trường xuất khẩu, mặc dù do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga- Ukraina khiến nhu cầu thép tại các thị trường châu Âu và Mỹ gia tăng, nhưng áp lực cạnh tranh cũng tăng lên khi nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc dự kiến sẽ gia tăng công suất, do vậy, khó có thể đem lại hiệu quả cao như trong năm 2021.
Trong quý I, hai doanh nghiệp đầu ngành thép vẫn ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng tốt. Cụ thể, Tập đoàn Hòa Phát đạt 44.400 tỷ đồng doanh thu, tăng 41% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 8.200 tỷ đồng, tăng 17%. HSG ghi nhận doanh thu 10.846 tỷ đồng, tăng 88%; lợi nhuận sau thuế đạt 1.035 tỷ đồng, tăng 415% so với cùng kỳ.
Nguồn tin: Đầu tư chứng khoán