Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thép khó khăn, xi măng khởi sắc

Theo Tổ điều hành thị trường trong nước Bộ Công Thương, thời gian qua, thị trường bất động sản (BĐS) chưa có dấu hiệu khởi sắc nên 9 tháng năm 2013, tình hình tiêu thụ thép xây dựng chưa có nhiều chuyển biến so với cuối năm 2012. Tuy nhiên, tiêu thụ xi măng trong tháng 9/2013 đã có dấu hiệu tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Đại diện Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại - VITIC (Bộ Công Thương) nhận định: Tháng 9/2013, thị trường thép trong nước vẫn ảm đạm do ảnh hưởng của mưa bão kéo dài, các công trình xây dựng hoạt động cầm chừng. Lượng thép xây dựng sản xuất tháng 9/2013 đạt 355.000 tấn, giảm 3% so với tháng 8/2013 và giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng thép tiêu thụ trong tháng 9/2013 đã giảm 5% so với tháng 8/2013 và giảm 6% so với cùng kỳ năm 2012.

 

Dây chuyền sản xuất của Nhà máy Xi măng Quang Sơn. Trọng Đạt -TTXVN


Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tiêu thụ sắt thép đã ế ẩm từ năm ngoái do thị trường BĐS gặp khó khăn, nhiều công trình xây dựng bị đình đốn. Nếu như những năm trước, có thời điểm giá thép bán trên thị trường hơn 20 triệu đồng/tấn, sau đó cầm cự ở mức 17 - 18 triệu đồng/tấn thì hiện chỉ còn 14 - 14,5 triệu đồng/tấn. Tuy vậy sức mua không cao, chỉ xoay quanh mức 300.000 tấn/tháng so với bình thường là trên 400.000 tấn/tháng. Các chuyên gia của Tổ điều hành thị trường trong nước cho biết thêm: Do sức tiêu thụ thấp nên lượng thép thành phẩm tồn kho hiện lên đến gần 316.000 tấn, giảm 4.000 tấn so với tháng 8/2013 nhưng tăng 12.000 tấn so với cùng kỳ năm trước.


Không chỉ vậy, các doanh nghiệp thép trong nước cũng đang phải đối mặt với khó khăn do thép Trung Quốc vẫn tiếp tục nhập về rất nhiều và mức giá thấp hơn hàng trong nước hơn 1 triệu đồng/tấn. Nhiều doanh nghiệp thép phải giảm công suất hơn 50%, có doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng hoặc đóng cửa. Chưa kể vừa qua, giá điện tăng làm giá thành sản xuất thép tăng lên, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh với hàng ngoại.


Tuy nhiên, lãnh đạo VSA vẫn dự báo: Tiêu thụ thép xây dựng cả năm sẽ vẫn tăng 3 - 5% so với năm 2012 với sản lượng đạt xấp xỉ 5 triệu tấn. Sở dĩ có nhận định này vì nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Thị trường BĐS có thể hồi phục vào mùa xây dựng cuối năm khi nhu cầu vật liệu xây dựng (VLXD) sẽ tăng cao. Dự báo giá bán lẻ thép xây dựng sẽ ổn định trong tháng 10/2013 sau đợt tăng giá vào 12/9. Giá thép giao tại nhà máy hiện được bán với mức từ 13,5 - 14,1 triệu đồng/tấn, tùy chủng loại (chưa kể thuế VAT).


Đối với mặt hàng xi măng, các chuyên gia thương mại cho biết: Nếu như tình hình tiêu thụ xi măng tăng dần trong 4 tháng đầu năm 2013 thì sau đó giảm dần đến cuối tháng 8 trước khi tăng nhẹ vào tháng 9/2013. Tính chung 9 tháng năm nay, sản xuất và tiêu thụ xi măng đều tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.


Theo VITIC, 9 tháng năm 2013, mặc dù giá than, điện, xăng dầu và chi phí tài chính ở mức cao dẫn đến giá thành sản xuất tăng, nhưng giá bán xi măng tại các nhà máy vẫn ổn định: Tại miền Bắc từ 1.300.000 - 1.500.000 đồng/tấn, tại miền Nam từ 1.600.000 - 1.800.000 đồng/tấn. Giá xi măng bán lẻ trên thị trường tăng trung bình 2.000 đồng/bao vào cuối tháng 3/2013 khi giá xăng dầu điều chỉnh...


Để thị trường VLXD được sôi động hơn, mới đây, Hội VLXD đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt triển khai làm quốc lộ, tỉnh lộ, đường cao tốc bằng bê tông để vừa kích thích tiêu thụ xi măng và nâng cao chất lượng đường giao thông. Hội cũng kiến nghị cần thực hiện tốt chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp VLXD như ưu đãi thuế, khoanh nợ, giãn nợ, cho vay ưu đãi... Ông Nguyễn Huy Thắng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinafacade, đồng thời là Phó Tổng thư ký Hiệp hội Kính và thủy tinh Việt Nam đề xuất: Nhà nước nên ưu đãi cho doanh nghiệp sử dụng phế thải công nghiệp, nông nghiệp để sản xuất VLXD. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng nới lỏng các điều kiện cho doanh nghiệp vay đầu tư chiều sâu áp dụng công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất mặt hàng xuất khẩu.

 

Nguồn: Tintuc

ĐỌC THÊM