Ngược lại với thị trường tháng 3, mặt hàng thép đã tăng giá tới vài lần trong tháng 4 với mức tăng khoảng 200.000- 400.000 đồng/tấn.
Theo Bộ Công Thương, giá thép cuộn Ø6 giao tại nhà máy chưa gồm thuế VAT đã tăng từ 9,69 triệu đồng/tấn lên 10,04 triệu đồng/tấn, giá thép tròn Ø10 tăng từ 10,36 triệu đồng/tấn lên 10,61 triệu đồng/tấn.
Cụ thể, trong tháng 4, Tổng công ty Thép Việt Nam đã có 3 lần tăng giá với tổng mức tăng của thép cuộn là 400.000 đồng/tấn, thép cây có 2 lần tăng giá với tổng mức tăng là 200.000 đồng/tấn.
Bộ Công Thương cho rằng, lý do tăng giá này bắt nguồn từ việc giá phôi thế giới đã tăng 60 USD/tấn, nhích dần lên từ 360 USD/tấn lên 420 USD/tấn, cùng đó là tác động của việc tăng thuế nhập khẩu thép đã giảm sức ép cạnh tranh cho các doanh nghiệp.
Giá thép cuộn xuất xưởng đã tăng 400.000 đồng/tấn |
Ngoài ra, việc tăng giá thép trở lại còn do mức tiêu thụ thép đã hồi phục đáng kể. Theo thống kê của Bộ Công Thương, lượng thép tiêu thụ tháng 4 ước khoảng 350.000 tấn.
Nhờ vậy, lượng thép thành phẩm tồn kho đã giảm mạnh từ mức 220.000 tấn của tháng 3 xuống còn khoảng 150.000 tấn, lượng phôi thép tồn cũng giảm từ 320.000 tấn xuống khoảng 280.000 tấn.
Trong khi đó, 3 tháng đầu năm, giá thép đã liên tục giảm trong khoảng từ 800 - 900.000 đồng/tấn.
Tuy nhiên, Hiệp hội Thép Việt Nam có cách lý giải khác về hiện tượng này. Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, việc tăng giá chủ yếu xuất phát từ các công ty thành viên thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam như Gang thép Thái Nguyên, thép Biên Hoà, Nhà Bè, Thủ Đức…
Trước đây, các công ty này đã giữ giá, chấp nhận bán thấp hơn các công ty bên ngoài khoảng 200.000 đồng/tấn do tiêu thụ thép chậm, đồng thời, phải cạnh tranh với thép giá rẻ nhập ngoại. Đến nay, khi thị trường phục hồi và giá nguyên liệu đầu vào tăng nên các công ty này đã tranh thủ nâng giá bán để bù lỗ.
Hiện nay, giá thép hai miền không có chênh lệch lớn, giá thép phía Bắc dao động từ 10,2 - 10,5 triệu đồng/tấn, giá thép phía Nam ở mức từ 10 - 10,7 triệu đồng/tấn.
Vietnamnet