Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thép Nam Kim: Tham vọng tăng trưởng và nỗi lo tồn kho, nợ nần

 Thép Nam Kim (HoSE: NKG) đã có một năm 2017 đầy ấn tượng với doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh. Tuy nhiên, bức tranh tài chính của doanh nghiệp này không hoàn toàn sáng như kết quả kinh doanh. Tồn kho tăng mạnh, nợ vay chất chồng và dòng tiền kinh doanh âm nghìn tỷ là những điểm NKG phải đối diện khi dấn thân vào cuộc đua thị phần.

Cuộc đua thị phần

Được thành lập năm 2002 bởi ông Trần Xảo Cơ, một người có ảnh hưởng và giàu kinh nghiệm trong ngành thép Việt Nam, Công ty Cổ phần Thép Nam Kim được điều hành bởi con gái ông, Trần Uyển Nhàn và con rể là Hồ Minh Quang.

Ra đời dưới cái bóng của những Hoa Sen, Phương Nam, Đông Á… thế nhưng Thép Nam Kim vẫn lớn rất nhanh. Cho đến năm 2017, Thép Nam Kim đã vươn lên vị trí thứ hai trên thị trường tôn mạ với thị phần khoảng 16%, chỉ đứng sau “vua tôn” Hoa Sen (37%).

Kết quả kinh doanh năm 2017 của Thép Nam Kim cũng hết sức ấn tượng với doanh thu thuần đạt 12.619 tỷ đồng, tăng 41% so với năm trước; lợi nhuận trước thuế đạt 781 tỷ đồng, tăng 28%; lợi nhuận sau thuế đạt 707 tỷ đồng, tăng 36,7%

Trả lời báo giới hồi tháng 10/2017, ông Phạm Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Thép Nam Kim, cho biết trong 5 năm tới, công ty sẽ mở rộng sản xuất, nâng công suất lên 2,2 triệu tấn/năm, tăng gần gấp đôi so với hiện nay.

Để thực hiện tham vọng đó, Thép Nam Kim đã và đang đầu tư rất mạnh cho việc mở rộng sản xuất. Cụ thể, sau nhà máy Nam Kim 3, Nam Kim 4, công ty cho biết sẽ tiếp tục đầu tư dự án Nhà máy tôn Nam Kim Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 2.200 tỷ đồng và giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 4.700 tỷ đồng.

Động thái này của Thép Nam Kim không nhằm mục tiêu nào khác là mở rộng thị trường, thu hẹp khoảng cách với Hoa Sen và gia tăng khả năng cạnh tranh trước các ông lớn khác như Hòa Phát, Pomina, Đông Á…

Cùng với việc đẩy mạnh marketing, Thép Nam Kim cũng có kế hoạch phát triển các thị trường xuất khẩu mới như Mỹ, Úc, châu Âu và Nam Phi, bên cạnh thị trường truyền thống như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Philippines…

Năm 2018, Thép Nam Kim đặt mục tiêu sản lượng 1 triệu tấn (trong đó tôn và thép mạ là 840.000 tấn); mục tiêu doanh thu là 17.000 tỷ đồng và mục tiêu lợi nhuận sau thuế là 750 tỷ đồng.

Các mục tiêu này được đánh giá là khả thi bởi theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), nhu cầu của thị trường về thép mạ kẽm và ống thép ước tính sẽ tăng trưởng ở mức tương ứng là 15% và 12% trong năm 2018.

Mặt khác, dây chuyền còn lại tại nhà máy Nam Kim 3 đi vào hoạt động trong năm 2018 cũng sẽ giúp cho tổng công suất của Thép Nam Kim tăng tới 40%, theo VCSC.

Dù vậy, quá trình mở rộng sản xuất của Thép Nam Kim không phải không có rủi ro. Theo VCSC, cạnh tranh cao tại thị trường trong nước và nguy cơ chiến tranh thương mại sẽ tạo nên một số rủi ro cho Thép Nam Kim. Chẳng hạn như nhà máy tôn mạ mới đi vào hoạt động của Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) với công suất 400.000 tấn/năm sẽ tạo thêm áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ khác trong nước. Đồng thời khả năng xảy ra chiến tranh thương mại ở quy mô toàn cầu cũng tạo thêm rủi ro cho sự tăng trưởng của Thép Nam Kim.

VCSC dự báo biên lợi nhuận của Thép Nam Kim sẽ giảm từ 10,8% (năm 2017) xuống 9,9% (năm 2018) vì diễn biến giá nguyên liệu dự kiến sẽ không thuận lợi như trước.

Tồn kho tăng mạnh

Một điều đáng chú ý khi quan sát bước đi của Thép Nam Kim trong năm 2017 là sự gia tăng rất mạnh của hàng tồn kho. Cụ thể, hàng tồn kho đã tăng từ 2.033 tỷ đồng lên 4.090 tỷ đồng, tương đương tăng gấp hai lần.

Cơ cấu hàng tồn kho khá lo ngại với tồn kho thành phẩm 1.530 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với năm trước. Nếu tính cả hàng đi đường 729 tỷ đồng nữa thì tổng hàng tồn kho thành phẩm là 2.259 tỷ đồng, tăng gấp 3,3 lần.

Tồn kho chiếm tới 66,7% tài sản ngắn hạn và 40% tổng tài sản của Thép Nam Kim, một con số cao hơn đáng kể so với các doanh nghiệp cùng ngành như Hòa Phát (tồn kho chiếm 35,5% tài sản ngắn hạn và 22% tổng tài sản), Thép Pomina (tồn kho chiếm 38% tài sản ngắn hạn và 25% tổng tài sản) hay Ống thép Việt Đức VG PIPE (tồn kho chiếm 46% tài sản ngắn hạn và 36,6% tổng tài sản)…

Hàng tồn kho tăng mạnh có thể xuất phát từ việc Thép Nam Kim tăng công suất các nhà máy, dự trữ cho việc mở rộng thị trường… nhưng cũng không ngoại trừ khả năng là do công ty thiếu khả năng dự báo thị trường và xây dựng quy trình sản xuất tinh gọn. Trong con mắt của các nhà quản trị, việc để hàng tồn kho tăng mạnh và chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu tài sản luôn là một dấu hiệu của rủi ro trong tương lai gần.

Huống chi xét cơ cấu tài sản ngắn hạn của Thép Nam Kim, các khoản phải thu đã có tốc độ tăng rất nhanh từ 496 tỷ đồng lên 1.107 tỷ đồng (tăng 2,2 lần). Sự gia tăng này chủ yếu đến từ sự biến động của khoản mục “phải thu ngắn hạn của khách hàng”, từ 359 tỷ đồng lên 1.008 tỷ đồng (tăng 2,8 lần).

Tổng cộng lại, hàng tồn kho và phải thu ngắn hạn của Thép Nam Kim là 5.197 tỷ đồng, chiếm 85% tài sản ngắn hạn.

Nợ vay tăng vòn vọt

Việc mở rộng sản xuất dĩ nhiên đòi một lượng vốn lớn. Năm 2017, Thép Nam Kim đã phát hành thành công 30 triệu cổ phiếu riêng lẻ, thu ròng 801,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, chừng ấy tiền chưa thấm tháp vào đâu với kế hoạch sản xuất của công ty.

Để có tiền, Thép Nam Kim đã gia tăng các khoản vay. Và nợ vay ngắn hạn năm qua đã tăng gấp 1,9 lần, đạt mức 4.503 tỷ đồng, chiếm 81% số nợ ngắn hạn. Cùng với 1.676 tỷ đồng vay dài hạn, tổng nợ vay của Thép Nam Kim là 6.179 tỷ đồng, gấp 2,1 lần vốn chủ sở hữu.

Sự gia tăng nhanh chóng của nợ vay đã đẩy tổng nợ phải trả tăng 50%, từ 4.809,7 tỷ đồng lên 7.234 tỷ đồng, chiếm 71% tổng nguồn vốn. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 2,46 lần.

Nhìn vào lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính của Thép Nam Kim cũng có thể thấy được sự gia tăng khá mạnh của dòng tiền vay – trả. Cụ thể, năm 2017, tiền thu về từ đi vay là 10.802 tỷ đồng, tăng 33%; tiền dùng trả nợ gốc vay là 8.664 tỷ đồng, tăng 42%.

Dù có kế hoạch phát hành riêng lẻ thêm 30 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược, rất khó để đảm bảo Thép Nam Kim không tiếp tục gia tăng nợ vay trong năm 2018, thậm chí là trong những năm tiếp theo.

Dòng tiền kinh doanh âm ngàn tỷ

Sự gia tăng của lãi vay (do tăng nợ vay) cùng với hàng tồn kho và các khoản phải thu là những nguyên nhân trực tiếp khiến dòng tiền kinh doanh năm 2017 của Thép Nam Kim âm rất nặng (- 1.456 tỷ đồng). Có thể nói đây là năm Thép Nam Kim âm dòng tiền nặng nhất. Các năm trước đó, dòng tiền kinh doanh thường ở mức dương hoặc có mức âm khá nhỏ (chỉ vài trăm tỷ đồng).

Cùng với dòng tiền kinh doanh, dòng tiền đầu tư của Thép Nam Kim cũng âm rất nặng trong năm 2017 (- 1.440 tỷ đồng). Nguyên nhân chủ yếu do chi mua sắm tài sản cố định (1.028 tỷ đồng), chi cho vay, mua công cụ nợ (389 tỷ đồng, tăng gấp 15 lần).

Đáng nói dòng tiền đầu tư của Thép Nam Kim đã âm liên tiếp ít nhất 9 năm qua nhưng mức độ âm đặc biệt tăng mạnh trong 2 năm 2016 – 2017. Đây cũng là giai đoạn Thép Nam Kim “ăn nên làm ra”, đẩy mạnh đầu tư nhà máy, mua sắm tài sản.

Nhìn chung, có thể thấy tình hình của Thép Nam Kim vẫn cơ bản ổn định trong năm 2017, tuy nhiên những dấu vết của rủi ro đã bắt đầu xuất hiện và đang dần trở nên rõ nét hơn. Tồn kho, nợ vay tăng mạnh, dẫu không hoàn toàn là tiêu cực, nhưng nếu bước hụt chân trên con đường kinh doanh, đó sẽ là những hòn đá tảng kéo Thép Nam Kim lún sâu vào bế tắc.

Nguồn tin: Vietnam Finance

ĐỌC THÊM