Tháng 10 khép lại với động thái giảm giá lần thứ 3 cho cả thép cuộn lẫn thép cây. Hiện giá thép cuộn giao tại nhà máy của Tổng công ty Thép Việt Nam ở mức 10,800 triệu đồng/tấn, thép cây khoảng 11,390 triệu đồng/tấn.
Cung tăng, cầu giảm
Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, có 2 nguyên nhân khiến giá thép liên tục được điều chỉnh giảm trong tháng 10.
Thứ nhất, lượng tiêu thụ giảm mạnh trong 3 tháng trở lại đây. Nếu như tháng 8, cả nước tiêu thụ 401.000 tấn thép, thì tháng 9 chỉ đạt 287.000 tấn và tháng 10 đạt 240.000 - 250.000 tấn.
Theo Bộ Công Thương, do thời tiết mưa bão liên tục ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở miền Trung, nên các công trình xây dựng bị giãn tiến độ, nhu cầu vật liệu xây dựng trong tháng 10 bị ảnh hưởng.
Thứ hai, thép từ các nước ASEAN trong vài tháng gần đây được nhập khẩu mạnh về Việt Nam. Nếu như năm 2008, lượng thép cuộn nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 65% lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam thì tháng 9, tháng 10 vừa qua thép Trung Quốc chỉ chiếm 10%, thép ASEAN do được hưởng thuế suất ưu đãi 0% (theo cam kết AFTA) đã vọt lên chiếm tỷ trọng 74%, với số lượng khoảng 35.000 - 40.000 tấn/tháng.
"Thép ASEAN nhập khẩu vào Việt Nam có giá cạnh tranh hơn thép trong nước từ 700.000 - 900.000 đồng/tấn và khối lượng có xu hướng tăng, trong khi sức tiêu thụ trong nước chậm lại khiến thép nội bị tác động đáng kể ", ông Nghi nói.
Nhìn nhận về thị trường thép tháng 11 và tháng cuối năm, VSA cho rằng sẽ có nhiều đặc điểm khác so với những năm trước. Trước đây, cuối năm là mùa cao điểm tiêu thụ thép, nhưng năm nay do giá thép trên thế giới có xu hướng chững lại và đi xuống, gây dư thừa nguồn cung; nhiều nước sẽ có biện pháp hỗ trợ xuất khẩu, tiêu thụ bớt sản lượng thép trong nước.
Trước diễn biến như vậy, tâm lý khách hàng thường chờ giá thép giảm thêm. Hơn nữa, một vài tháng trước, lo ngại thép tăng giá, nhiều công trình đã trữ hàng, nay họ sử dụng lượng thép đã tích trữ, chờ giá giảm thêm. Lượng tiêu thụ do vậy có thể tiếp tục giảm so với tháng trước.
Cũng vì nhu cầu giảm nên giá phôi thép cũng hạ thấp hơn so với trước. Mỗi tấn phôi hiện ở mức 470 - 480 USD/tấn (trước là 520 USD/tấn). Khách hàng càng có cớ chờ đợi giá thép điều chỉnh xuống mức hợp lý hơn.
Theo số liệu của VSA, cả nước hiện còn 220.000 - 230.000 tấn thép thành phẩm, 450.000 tấn phôi, đủ đáp ứng nhu cầu đến cuối năm. Giá cả nếu có điều chỉnh theo hướng ngược lại cũng sẽ không có biến động lớn.
Còn theo Bộ Công Thương, tuy tiêu thụ giảm mạnh trong tháng 10, nhưng để đón đầu mùa xây dựng cuối năm, các doanh nghiệp vẫn đẩy mạnh sản xuất, sản xuất thép tròn tháng 10 ước đạt 390.200 tấn, tăng 1,5% so với tháng 9 và tăng 20% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 10 tháng ước đạt 3,784 triệu tấn, tăng 18,7% so với cùng kỳ.
Trong tháng 10, dự án Nhà máy thép cán nguội Posco Vietnam tại tỉnh Bà Ria - Vũng Tàu đã đi vào hoạt động với công suất 1,2 triệu tấn/năm, trong đó dự kiến 700.000 tấn thép cán nguội sử dụng cho sản xuất ô tô, xe máy và 500.000 tấn thép lá cán nguội dạng cứng phục vụ cho ngành công nghiệp xay dựng. Như vậy, nguồn cung thép khá dồi dào
Chống chọi trên sân nhà
Lượng hàng nhập khẩu tăng, giá cạnh tranh, trong khi cầu giảm đang tạo sức ép lên các DN thép Việt Nam. Nếu như thép nhập khẩu từ Trung Quốc chịu thuế suất 15% thì thép có nguồn gốc ASEAN chỉ chịu thuế 0%.
Việt Nam cũng được hưởng ưu đãi thuế quan, nhưng do sức cạnh tranh của DN ngành thép chưa cao nên không những không xuất khẩu được, mà còn chịu sức ép giảm giá ngay trên sân nhà.
Với chính sách hỗ trợ xuất khẩu mà các nước ASEAN có xu hướng áp dụng, thép ngoại rất có thể tràn vào Việt Nam mạnh mẽ hơn nếu DN trong nước không có đối sách phù hợp.
Trước nguy cơ này, Bộ Công Thương khuyến cáo, các DN sản xuất thép cần rà soát cắt giảm chi phí sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh. Đặc biệt, cần cải tiến công nghệ sản xuất các loại thép hình và ống đúc, chịu áp lực lớn phục vụ cho các công trình xây dựng, thay vì chỉ tập trung cán thép cây, thép cuộn như hiện nay.
VSA thì cho rằng, do tiêu thụ chậm, DN nên tiết giảm sản lượng, giảm bớt sức ép dư cung khiến giá bán phải điều chỉnh. Về phần mình, VSA đã đề nghị các cơ quan chức năng như hải quan cửa khẩu cần xem xét kỹ thép có nguồn gốc ASEAN
Đặc biệt về chỉ tiêu phải đạt mức nội địa hoá 40% và sản xuất theo công nghệ 2 bước: từ quặng hoặc sắt thép phế luyện thành phôi và từ phôi cán ra thép, chứ không được nhập khẩu phôi để cán thép
Đề nghị như vậy, song biện pháp này cũng khó áp dụng và ngăn chặn được thép ASEAN nhập khẩu vào Việt Nam, vì lợi thế về giá.
(STOX)