Chỉ trong thời gian ngắn, hàng triệu tấn thép nhập khẩu (NK) ồ ạt tràn vào Việt Nam. Điều này đã khiến từ cuối tháng 10 và tháng 11, ngành thép trong nước liên tục phải điều chỉnh giảm giá bán.
Cùng với sự phục hồi của tình hình kinh tế trong nước, từ giữa năm 2009 đến nay, thị trường vật liệu xây dựng liên tục biến động. Trong đó, ngành thép có trên dưới 10 lần điều chỉnh, đưa mức giá từ 9 triệu đồng/tấn lên trên 12 triệu đồng/tấn.
Trong khi đó, một lượng thép NK khá lớn âm thầm xâm nhập thị trường nội địa đã khiến thép nội trở nên ế ẩm, mất một thị phần khá lớn do thép NK tràn vào với giá rẻ hơn từ 300.000 - 500.000 đồng/tấn.
Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), từ đầu năm đến giữa tháng 9, lượng thép NK vào Việt Nam khoảng 8,6 triệu tấn, cả nguyên liệu lẫn thành phẩm.
Đáng lưu ý, nếu trước đây ngành thép trong nước chỉ có một đối thủ mạnh là thép từ Trung Quốc thì nay có thêm hàng loạt “đồng minh” từ ASEAN nhảy vào, theo cam kết thỏa thuận AFTA.
Cụ thể, trong năm 2008, thép NK từ Trung Quốc chiếm 64,5% tổng lượng thép NK, 11,7% thuốc về các nước ASEAN, thì từ cuối tháng 7-2009 thép từ ASEAN đã lên tới 44%. Đến tháng 9 này thép từ các nước ASEAN NK tiếp tục tăng lên 74%.
Trước sức ép của thép NK như đã nêu trên, cuối tháng 10 và đầu tháng 11 các doanh nghiệp thép trong nước đành “xuống nước”, có ít nhất 3 lần giảm giá, mỗi lần 100.000 - 200.000 đồng/tấn. Hiện bên ngoài thị trường giá thép cuộn xuống còn 10,7 - 10,8 triệu đồng/tấn, thép cây giữ mức trên dưới 11,30 triệu đồng/tấn. Ngoài ra, tùy doanh nghiệp thép còn hỗ trợ vận chuyển, chiết khấu cho đại lý nhằm kích cầu.
Ghi nhận thị trường cho thấy, trước thông tin thép ngoại NK ồ ạt tràn về, trong khi thép nội cung đang vượt cầu nên người tiêu dùng tiếp tục ngóng chờ giá giảm thêm mới khởi động công trình. Từ đó, khiến nhu cầu thép tại các đại lý, cửa hàng vật liệu xây dựng đang chững lại.
Giải pháp cấp bách “cứu” thép nội
Theo Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL), việc thép ngoại tràn vào thị trường VN thời gian qua là do nhu cầu thép trong quý 2 và tháng đầu quý 3 tại VN tương đối tốt do nhiều yếu tố như các công trình lớn đang triển khai, nhu cầu dân dụng tăng… nên các nhà thương mại tranh thủ NK.
Mặt khác, chính phủ một số nước đang có chính sách hỗ trợ về thuế, lãi suất, tỷ giá... nhằm thúc đẩy XK thép cũng tạo điều kiện để thép ngoại xâm nhập thị trường Việt Nam. Trong khi đó, giá thép trong nước do chịu nhiều ảnh hưởng bởi các chi phí nguyên liệu, giá điện, dầu tăng, tỷ giá biến động, chi phí lãi vay… đã làm ảnh hưởng đến giá thành, đẩy giá bán cao hơn hàng NK.
Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu thị trường trên cả nước có chiều hướng giảm nên ngành thép nói chung và VNSTEEL nói riêng đã có các biện pháp cấp bách điều chỉnh giảm giá thép cuộn để chặn hàng thép ngoại tiếp tục NK.
Đồng thời đa dạng hóa sản phẩm thép phù hợp cho từng phân khúc các công trình, dự án. Đối với thực trạng sản xuất thép trong nước cung đang vượt cầu, cần thiết phải điều tiết cắt giảm sản xuất hoặc kích cầu để cân bằng cung cầu.
Tổng giám đốc Công ty CP Thép Việt (Pomina) cho rằng, nguyên nhân chính của việc thép NK nhiều với giá rẻ đang tràn vào Việt Nam, ngoài việc thỏa thuận theo cam kết AFTA, còn do thị trường các nước đều gặp khó khăn vì ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, đến nay thép ngoại chủ yếu bán cho các nhà thầu nhỏ, lẻ và vùng sâu vùng xa.
Đối với các công trình lớn vẫn sử dụng thép nội địa. Chính vì vậy, những nhà sản xuất trong nước nếu nâng tầm chuyên nghiệp, có khả năng cạnh tranh quốc tế như phải sử dụng công nghệ tiên tiến để có chất lượng ổn định, đồng thời tạo ra giá hợp lý thì vẫn đứng vững trên thị trường.
Cuối quý 1, doanh nghiệp thép trong trước cũng một phen lao đao vì thép NK. Và để nhằm giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp thép, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư về điều chỉnh mức thuế NK đối với các mặt hàng thép. Do vậy, thuế NK thép xây dựng được tăng từ 12% lên 15% và thép có chứa Bo tăng từ 0% - 10%, ngay lập tức đã hạn chế lượng thép NK từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp thép trong nước đang đối mặt với một sân chơi bình đẳng theo AFTA, do đó “giải pháp tự vệ” sẽ khó áp dụng. Chính vì vậy, bản thân các doanh nghiệp cần có sự liên kết, đầu tư chiều sâu, bền vững mới hy vọng không thua trên sân nhà trước sức ép của thép NK ào ạt hiện nay.