Các doanh nghiệp thép trong nước đang chịu sức ép giảm giá ngay trên sân nhà. |
- Sức tiêu thụ thép từ tháng 9 lại đây đang có dấu hiệu chậm lại, song các doanh nghiệp thép trong nước lại đang phải lo gồng mình đối phó với thép ngoại từ các nước ASEAN đã được dỡ bỏ hàng rào thuế quan nhập khẩu vô tư về VN.
Hiện mức thuế suất ưu đãi cho thép thành phẩm của các nước này là 0%, trong khi các nước ngoài ASEAN vẫn bị đánh thuế nhập khẩu (NK) thép 15%.
Thép ASEAN đánh bật thép Trung Quốc
Ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA) khẳng định đã có một sự "hoán đổi" thị phần thép ngoại tại VN, đặc biệt là chủng loại thép cuộn có nguồn gốc từ các nước Indonesia, Thái Lan, Malaysia..., nhưng không có nhãn mác, thương hiệu.
Nếu như cả năm 2008, thép NK chủ yếu từ Trung Quốc chiếm số lượng lớn với thị phần lên tới 64,5% tổng lượng thép NK, thép của các nước ASEAN chỉ chiếm khoảng 11,7%, thì từ tháng 7 năm nay, thị phần của thép Trung Quốc đã giảm xuống còn 3,8%, thép ASEAN chiếm 44%.
Trong tháng 9, thị phần tiếp tục nghiêng hẳn về các nước ASEAN với 74% lượng thép được nhập về, trong khi thép TQ hiện chỉ chiếm 1,7%. Bình quân mỗi tháng, các công ty thương mại NK thép cuộn tiêu thụ cho thị trường trong nước khoảng 40.000 tấn, bằng đường biển, chủ yếu tiêu thụ tại các tỉnh phía nam do gần nguồn cung từ Thái Lan, Malaysia. Lượng thép này được vận chuyển ra phía bắc rất ít do phải cộng chi phí vận chuyển khiến giá thành cao.
Ông Nghi cho biết: "Do thuế suất 0%, có nhiều khả năng các DN mua được nguồn phôi giá rẻ từ Nga, khu vực các nước SNG do khủng hoảng kinh tế, lượng phôi tồn đọng nhiều, thì giá nhập về VN chỉ khoảng trên dưới 10 triệu đồng/tấn".
Trong khi đó, giá bán thép của các DN trong nước do tác động của nhiều yếu tố đầu vào như phôi thép, thép phế, xăng dầu, tỉ giá ngoại tệ tăng vẫn duy trì giá bán cao. Hiện giá bán thép tại cổng nhà máy (chưa có 5% VAT, chưa trừ chiết khấu) của Cty gang thép Thái Nguyên, Cty thép Việt - Hàn (phía bắc) dao động ở mức: 11,4-11,6 triệu đồng/tấn; Cty thép Miền nam, Vinakyoei (phía Nam) dao động từ 11,5-11,7 triệu đồng/tấn, cao hơn thép ngoại từ 1,4-1,7 triệu đồng/tấn.
Nếu tính giá bán đến tay người sử dụng (giá bán lẻ) của các cửa hàng phía bắc đã ở mức 12-13 triệu đồng/tấn; phía Nam phổ biến 12,2-13,5 triệu đồng/tấn.. Từ đầu năm tới nay, giá thép nội đã được điều chỉnh tăng tới... 9 lần. Với đà này, các chuyên gia dự báo, thị phần thép nội sẽ còn tiếp tục bị thôn tính bởi thép ngoại.
Phải hạ giá thành, tăng cạnh tranh
Điều đáng nói là thép ngoại có nguồn gốc ASEAN được NK một cách công khai do VN đã cam kết tham gia Khu vực mậu dịch tự do AFTA, hàng hoá của các nước trong khối đều phải tuân thủ nguyên tắc miễn giảm thuế quan để hội nhập. Chính vì sức cạnh tranh của các DN ngành thép chưa cao nên không những không XK được sang các nước có cùng ưu đãi thuế quan trong ASEAN mà lại chịu sức ép giảm giá ngay trên sân nhà.
Bằng chứng là trước sức ép của thép ngoại, TCty Thép VN (VNS) vừa công bố hạ giá bán giao tại nhà máy đối với thép cuộn loại phi 6, phi 8 xuống 200.000 đ/tấn so với thời điểm giữa tháng 9.2009, nhưng vẫn còn cao (ở mức 11,32 triệu đồng/tấn, chưa có VAT). Động thái này đã khiến một số DN thép khác công bố giảm giá tương ứng.
Một quan chức Cty gang thép Thái Nguyên (thuộc VNS) xác nhận: Đây là lần đầu tiên GTTN phải hạ giá bán đối với chủng loại thép xây dựng sau nhiều đợt tăng giá bán. Việc hạ giá này nhằm kích cầu thị trường do trong tháng 9, lượng tiêu thụ bị chững lại.
Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, trước những diễn biến được cho là bất lợi đối với các DN thép trong nước, một mặt Hiệp hội Thép đang đề nghị các cơ quan chức năng như hải quan cửa khẩu cần xem xét kỹ thép có nguồn gốc ASEAN, đặc biệt về chỉ tiêu phải đạt mức nội địa hoá 40% và phải sản xuất theo công nghệ 2 bước: Từ quặng hoặc sắt thép phế luyện thành phôi và từ phôi cán ra thép, chứ không được "đi tắt"- NK phôi để cán thép.
Tuy nhiên, chính ông Nghi cũng khẳng định là biện pháp này cũng khó ngăn chặn được "làn sóng" ồ ạt thép ASEAN nhập khẩu vào VN vì giá quá rẻ. Về lâu dài, Hiệp hội Thép khuyến cáo các DN thép nội phải tăng cường đầu tư, đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh.
"Với quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ manh mún, lạc hậu, tiêu hao nguyên liệu lớn, cùng các loại chi phí tính trên đầu tấn thép..., DN ngành thép sẽ không thể có sức cạnh tranh với các sản phẩm ngoại và vì vậy không thể để người tiêu dùng trong nước chịu thiệt vì DN trong nước yếu", ông Nghi nói.
Năng lực sản xuất thép thừa khoảng 3 triệu tấn |