Theo thống kê từ Bộ Công thương, trong tháng 4/2016, thép nhập khẩu các loại tăng 45,3% về lượng và tăng 4,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Tính gộp từ đầu năm, nhập khẩu thép các loại tăng tới 59,2% và tăng 1,3% về giá trị so với năm 2015. Sở dĩ nhập khẩu thép các loại tăng mạnh về lượng, còn giá trị tăng thấp là do giá thép trên thị trường thế giới dù đã phục hồi, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với giá tại thời điểm này năm ngoái.
Trong cơ cấu các loại thép nhập khẩu, thì phôi thép không hợp kim và thép thành phẩm (trong đó thép xây dựng chiếm tỷ trọng lớn) chiếm đến hơn 90% về lượng nhập khẩu cũng như trị giá nhập khẩu. Thực tế đó cho thấy, bất chấp mức thuế tự vệ tạm thời đối với phôi thép là 23,3% và thép dài (thép cuộn và thép thanh) là 14,2% dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung áp dụng từ ngày 22/3/2016 lượng phôi thép và thép thành phẩm vẫn tiếp tục được nhập vào thị trường trong nước với khối lượng lớn.
Đây là lý do tại cuộc tham vấn về áp thuế tự vệ đối với mặt hàng thép xây dựng và phôi thép do Bộ Công thương tổ chức đầu tháng 5, đại diện Công ty Luật IDVN đề nghị cần đánh thuế chính thức với hai loại hàng hóa này, thậm chí nên đánh thuế cao hơn mức thuế tạm thời hiện nay.
Theo báo cáo của Hiệp hội Thép, trong tháng 4, giá thép đã bình ổn trở lại sau khi các nhà sản xuất cam kết cung cấp đủ hàng cho thị trường. Tâm lý đầu cơ này được dự báo trước để có giải pháp phù hợp và kịp thời từ phía cơ quan quản lý cũng như nhà sản xuất để thị trường thép xây dựng sớm ổn định trở lại.
Trong tháng 4, bán hàng trong nước sản phẩm thép các loại đạt 1,123 triệu tấn, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng thép xây dựng của các doanh nghiệp trong Hiệp hội Thép tăng so với cùng kỳ, bán hàng thép xây dựng đạt 700.000 tấn (tăng 19,5%). Theo Hiệp hội Thép, điều này cho thấy, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước cả phôi lẫn cán thép đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước, cả về số lượng và chất lượng.
Trở lại với tình hình sản xuất của doanh nghiệp thép, trong tháng 4 sản xuất thép xây dựng tăng so với cùng kỳ, nhưng giảm 4% so với tháng 3. Bán hàng đạt 737.519 tấn, giảm 18% so với tháng trước. Dự báo theo tính mùa vụ hàng năm, tiêu thụ thép xây dựng sẽ giảm trong các tháng 5,6,7 khi vào mùa mưa.
Khi nhu cầu trong nước giảm, lượng thép nhập khẩu tăng lên với tốc độ như thời gian qua, với các nhà sản xuất trong nước, áp lực sẽ rõ ràng hơn. Vì vậy, nhìn trong dài hạn, kiến nghị của các nguyên đơn trọng việc đề nghị áp thuế tự vệ đối với thép xây dựng và phôi thép nhập khẩu vẫn còn nguyên tính thời sự.
Nguồn tin: Đầu tư