Tháng 10 khép lại với động thái giảm giá lần thứ 3 cho cả thép cuộn lẫn thép cây.
Việc Tổng Công ty Thép Việt Nam vừa hạ 200.000-300.000 đồng/tấn thép bán ra đã đánh dấu lần “xuống nước” thứ ba của thép nội sau nhiều lần tăng giá liên tiếp kể từ đầu năm.
“Sự lạ” giảm giá giữa cao điểm mùa xây dựng – mùa thép “hút hàng” cho thấy, rút cục thép nội đã “hết chịu nổi nhiệt” khi bị cạnh tranh sát rạt về giá với các đối thủ đến từ ASEAN.
30 ngày, ba lần giảm giá
Tháng 10 khép lại với động thái giảm giá lần thứ 3 cho cả thép cuộn lẫn thép cây. Hiện, giá thép cuộn giao tại nhà máy của Tổng Công ty Thép Việt Nam ở mức 10,8 triệu đồng/tấn, thép cây khoảng 11,39 triệu đồng/tấn.
Như vậy, chỉ trong vòng 30 ngày, mỗi tấn thép đã giảm tới 600.000-700.000 đồng/tấn. Tình hình cũng tương tự tại các doanh nghiệp thép khác.
Thị trường đã bắt đầu “xôn xao” từ tháng 6-7 khi thép ngoại từ các nước ASEAN chủ yếu là Malaysia, Thái Lan, Indonesia ồ ạt tràn vào Việt Nam.
Nhờ tận dụng triệt để hiệu lực giảm thuế 0-5% trong ASEAN theo cam kết AFTA, các nước này đã đẩy mạnh nguồn cung thép dư thừa sang Việt Nam với giá cạnh tranh hơn từ 700.000–900.000 đ/tấn.
Với khoảng cách giá khá xa nên chỉ sau vài tháng, thép xây dựng từ ASEAN đã nhanh chóng “hất cẳng” thép Trung Quốc và trở thành nguồn thép nhập khẩu chính của Việt Nam với 74%.
Đây là sự đảo ngược ngoạn mục vì mới năm ngoái, Trung Quốc vẫn là nhà xuất khẩu chính chiếm 64,5% thị phần tổng lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam, trong khi lượng thép của các nước ASEAN chỉ chiếm 11,7%. Nhưng thiệt hại lớn nhất thuộc về các nhà sản xuất thép Việt.
Không những không tranh thủ được AFTA để xuất khẩu nguồn cung đang dư thừa, thép Việt còn bị ép giá ngay trên sân nhà. Do chênh lệch khá lớn nên dù đã 3 lần xuống giá (mỗi lần từ 100.000-200.000 đ/tấn), một phần đáng kể của miếng bánh thị trường vẫn rơi vào tay thép ngoại.
Đơn cử mặt hàng thép cuộn - sản phẩm hiện chiếm 25-30% trong tổng thị phần thép xây dựng trước nay vẫn do doanh nghiệp nội cung cấp.
Vậy mà, chỉ sau vài tháng cạnh tranh, ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam đã phải ngậm ngùi thông báo, các doanh nghiệp Việt chỉ còn có 20% thị phần để chia nhau bởi 5-10% còn lại đã rơi vào tay thép ASEAN.
Các loại thép khác cũng không trong tình trạng chạy đua xuống giá nếu không muốn nằm ế ẩm trong kho.
Sức mua chững, đợi giảm giá tiếp
So với giá thép ở mức 12-13,2 triệu đồng/tấn hồi đầu tháng 10, giá thép hiện nay đã xuống gần 700.000 đ/tấn. Nhưng 3 lần giảm giá liên tục dường như vẫn chưa đủ “đô” đối với kỳ vọng thị trường.
Anh Nguyễn Văn Xuân (khu Hoàng Cầu) đang chuẩn bị cất biệt thự tại quận Hoàng Mai đã tạm dừng “dự án” để nghe ngóng diễn biến thị trường. Theo anh, chỉ cần giảm từ 200.000-300.000 đ/tấn sắt thép cũng tiết kiệm được khá tiền để bù thêm vào nội thất nhà tắm.
Các chủ hàng chuyên cung cấp vật liệu xây dựng tại phố Cát Linh, Đê La Thành cũng cho biết, tốc độ tiêu thụ sắt thép tháng 9-10 năm nay không “chạy” như mọi năm. “Người hỏi thì nhiều nhưng mua thì ít hơn”, một người bán hàng trên Đê La Thành cho biết.
Đây cũng là điều ông Nguyễn Tiến Nghi đã dự báo cách đây hơn một tháng. Ông Nghi cho rằng, chính tâm lý chờ đợi giảm giá tiếp nữa của người mua sẽ khiến sức mua chững lại giữa cao điểm mùa xây dựng – mùa lẽ ra rất hút hàng.
Lép vế vì kém cạnh tranh
Giải thích lý do thép ASEAN tràn vào Việt Nam với mức giá quá cạnh tranh, VSA cho rằng do khủng hoảng kinh tế, các công trình xây dựng bị đình đốn nên doanh nghiệp thép các nước bạn buộc phải tìm đường xuất khẩu để xả hàng tồn kho.
Thép ngoại từ các nước ASEAN, chủ yếu là Malaysia, Thái Lan, Indonesia đang ồ ạt tràn vào Việt Nam. (Ảnh: Businessweek)
“Việc giảm thuế 0-5% không phải đến giờ mới áp dụng, nhưng vài tháng gần đây, chính sách xuất khẩu của họ đã rất tích cực hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu thép nên giá mới cạnh tranh thế”, ông Nghi cho biết.
Thực tế, không chỉ các nước ASEAN mới tích cực “đẩy” thép dư thừa ra nước ngoài. Ngay từ giữa năm, Trung Quốc đã thả rộng cửa với xuất khẩu thép cũng nhiều chính sách ưu đãi khác nhằm giải phóng lượng hàng tồn đọng lên đến 160 triệu tấn. Thép Hàn Quốc, Nga… cũng đã tìm đường vào Việt Nam.
Bản thân ngành thép Việt Nam cũng đang dư thừa. Ông Nghi cho biết, tổng sản lượng cả năm là 7 triệu tấn trong khi cả nước chỉ có thể tiêu thụ già nửa, chừng 4,5 triệu tấn. Tính ngay trong mùa xây dựng năm nay, dù ế ẩm nhưng sản lượng thép tròn 10 tháng vẫn đạt 3.784 nghìn tấn, tăng 18,7% so với năm 2008.
Chưa kể, trong tháng 10, dự án nhà máy thép cán nguội Posco Vietnam tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đi vào hoạt động với công suất 1,2 triệu tấn/năm.
Như vậy, dư thừa là tình trạng chung, nhưng trong khi các nước khác tận dụng mọi chính sách, cam kết để đẩy hàng đi thì Việt Nam vẫn nhập siêu thép vì giá thép Việt quá đắt so với các nước khác.
Để giải cứu doanh nghiệp nội, tháng 3/2009, Bộ Tài chính đã điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng thép, riêng thuế thép xây dựng tăng từ 12% lên 15%.
Nhờ sự bảo hộ này, doanh nghiệp thép Việt đã thoát được sự đe dọa của thép Trung Quốc và yên tâm tăng giá liên tiếp từ tháng 4 tới giờ.
Tuy nhiên, AFTA với những cam kết sòng phẳng, công khai đã khiến Nhà nước phải đứng ngoài cuộc đấu giữa thép Việt và thép từ ASEAN. Không có “vòng tay che chở” của Nhà nước, các doanh nghiệp thép nội đã lộ ngay ra sự yếu kém so với thép ngoại. Việc buộc phải giảm giá 3 lần trong 30 ngày cho thấy rõ điều đó.
Trước những bất lợi của thép trong nước, VSA đã đề nghị các cơ quan chức năng kiểm soát chặt nguồn gốc thép xuất xứ ASEAN. Về nguyên tắc, thép ASEAN chỉ được hưởng thuế 0% khi đạt chỉ tiêu nội địa hoá 40% và phải sản xuất theo công nghệ 2 bước, tức là từ quặng hoặc thép phế thành phôi, từ phôi cán ra thép.
Tuy nhiên, ông Nghi thừa nhận, đó chỉ là động thái đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh chứ không thể chối bỏ sự kém cạnh tranh của thép Việt so với các nước ASEAN. VSA lo ngại nếu các doanh nghiệp thép nội không tính toán điều chỉnh giảm giá bán cho cạnh tranh thì chỉ trong vài tháng tới, thép ngoại sẽ lấn át thị trường.
Còn theo Bộ Công thương, con đường duy nhất của doanh nghiệp sản xuất thép nội hiện nay là phải rà soát, cắt giảm chi phí sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, đồng thời cải tiến công nghệ như sản xuất các loại thép hình và ống đúc, chịu áp lực lớn phục vụ cho các công trình xây dựng.
(Sacom)