Việc Bộ Công Thương áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc, sẽ góp phần gỡ khó cho thép nội đang bị thiệt hại nặng nề
Theo Bộ Công Thương, từ ngày 22-3, phôi thép và thép dài nhập khẩu từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ vào Việt Nam sẽ phải chịu mức thuế nhập khẩu bổ sung lần lượt là 23,3% và 14,2% (biểu thuế hiện hành từ 0%-5%). Quyết định áp thuế tự vệ tạm thời được đưa ra sau hơn 2 tháng Bộ Công Thương tiến hành điều tra đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu.
Giá hàng nhập rẻ bất ngờ!
Các mặt hàng bị áp thuế nhập khẩu bổ sung gồm phôi thép hợp kim và không hợp kim, các sản phẩm thép dài hợp kim và không hợp kim (gồm thép cuộn, thép thanh được làm từ thép dài nhập khẩu). Ngày 9-3, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho rằng quyết định của Bộ Công Thương là cần thiết trong bối cảnh phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến trong năm qua; trong khi công suất của các nhà máy thép trong nước chỉ hoạt động trên 50% do nhu cầu tiêu thụ chưa cao, doanh nghiệp (DN) trong ngành lại phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc. “Mức thuế áp để tự vệ tạm thời tương đối hợp lý, góp phần hỗ trợ ngành thép nhưng DN trong nước cũng phải nâng sức cạnh tranh, sản xuất sản phẩm với giá thành hợp lý hơn” - ông Dũng nói.
Thép nội đang tồn kho lớn do bị thép ngoại bán phá giá Ảnh: Tấn Thạnh
Trước đó, ngày 15-12-2015, Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương nhận được đơn yêu cầu phòng vệ thương mại từ 4 nhà sản xuất thép trong nước là Công ty CP Thép Hòa Phát, Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên và Công ty CP Thép Việt Ý. Đến ngày 25-12-2015, Bộ Công Thương quyết định điều tra vụ việc. Theo đó, việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại là để bảo vệ ngành thép trong nước khi chịu nhiều thiệt hại nghiêm trọng do hàng nhập khẩu giá rẻ quá nhiều.
Hồ sơ điều tra cho thấy với mặt hàng phôi thép, nếu giai đoạn 2012-2013, giá bán của hàng nhập cao hơn giá trong nước thì đến năm 2014 lại thấp hơn. Qua năm 2015, giá bán hàng nhập khẩu bất ngờ giảm hơn 30%, gây sức ép lớn cho hàng trong nước. Dù chi phí sản xuất thép trong nước giảm nhưng do phải hạ giá bán mạnh để cạnh tranh với hàng nhập khiến DN không có lãi. Năm rồi, giá bán của thép dài nhập khẩu giảm tới 20%, buộc DN trong nước phải hạ giá bán để cạnh tranh dù chi phí sản xuất không thể giảm tương ứng. Do đó, tồn kho phôi thép và thép dài tại các DN trong nước tăng rất cao. “Phôi thép và thép dài nhập khẩu tăng đột biến là nguyên nhân gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước. Việc chậm áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước và khó có thể khắc phục được” - Bộ Công Thương nêu trong kết luận điều tra.
Cần xử lý gian lận thương mại
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2013, lượng phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam là 348.872 tấn, sang năm 2014 tăng lên hơn 592.000 tấn (tăng 69,7%) và lên mức 1,88 triệu tấn trong năm 2015 (tăng tới 218% so năm trước và 440% so năm 2013). Đối với thép dài, con số tăng trưởng hàng nhập khẩu cũng ở mức kỷ lục, từ hơn 387.000 tấn năm 2012 lên tới 1,28 triệu tấn trong năm 2015.
Đại diện VSA nhìn nhận Việt Nam có nguy cơ trở thành thị trường tiêu thụ thép nhập khẩu khi sản phẩm từ các nước tràn vào với tốc độ tăng chóng mặt. Ngoài phôi thép, trong năm 2015, hơn 1,62 triệu tấn thép cuộn và dây thép cũng được nhập về Việt Nam trong khi sản xuất thép cuộn trong nước chỉ đạt 1,13 triệu tấn. Gần 1,43 triệu tấn tôn mạ kim loại và sơn phủ màu cũng được nhập về Việt Nam, tăng 87,55% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 1-2016, thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy số lượng sắt thép các loại nhập khẩu lên hơn 1,49 triệu tấn, trong đó riêng từ Trung Quốc ước tính hơn 922.600 tấn.
Ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty CP Thép Pomina, cho rằng yếu tố cần được nhấn mạnh trong việc phòng vệ thương mại của các DN ngành thép là một lượng lớn phôi thép nhập khẩu Việt Nam núp bóng thép hợp kim có chất crom, boron để hưởng thuế suất 0% (thay vì phải chịu thuế 10%). Điều này gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và cơ quan quản lý cần hỗ trợ DN.
Tôn nhập khẩu cũng bán phá giá
Đây là vụ kiện thứ hai của DN ngành thép với hàng ngoại nhập khẩu (trước đó là vụ áp thuế tự vệ với thép không gỉ cán nguội nhập khẩu Việt Nam). Trong khi đó, thép Việt Nam xuất khẩu qua các nước liên tục bị kiện chống bán phá giá. Theo ông Hồ Nghĩa Dũng, ngay thị trường Mỹ, dù mới xuất khẩu được một thời gian nhưng DN trong nước lại phải đối mặt nguy cơ bị kiện chống bán phá giá. “Do đó, việc Bộ Công Thương áp thuế tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu sẽ là bài học kinh nghiệm cho DN trong nước, nhất là khi nhiều DN đang thu thập tài liệu để khởi kiện mặt hàng tôn mạ màu và tôn mạ nhập khẩu bị bán phá giá” - ông Dũng nhìn nhận.
Nguồn tin: Vinhomes