Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thép nội khó giữ thị phần vì giá cao

Do tác động của giá nguyên liệu thế giới cùng với biến động tỷ giá ngoại tệ nên giá bán thép xây dựng của các doanh nghiệp trong nước tiếp tục được điều chỉnh theo hướng tăng. Tuy nhiên, việc tăng giá bán thép trong nước đang tạo cơ hội cho thép ngoại vốn có giá cạnh tranh hơn tiếp tục tràn vào Việt Nam và chiếm lĩnh thị trường.

Giá có thể tiếp tục tăng nhưng không đột biến

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, từ đầu năm đến nay, giá bán thép xây dựng trên thị trường luôn biến động. Trong quý I, giá bán thép đã giảm xuống mức thấp nhất, song bước sang quý II và quý III chính sách kích cầu của Chính phủ đã thúc đẩy tiêu thụ thép tăng mạnh, giá bán thép cũng được điều chỉnh tăng tới 9 lần.

Hiện giá bán thép tại nhà máy chưa trừ chiết khấu, chưa có thuế giá trị gia tăng dao động ở mức 11,4 triệu đến 11,595 triệu đồng/tấn ở khu vực phía Bắc và từ 11,51 triệu đến 11,72 triệu đồng/tấn đối với khu vực phía Nam, tăng 300.000 đồng/tấn so với tháng trước.

Giá bán lẻ thép trên thị trường hiện phổ biến ở mức từ 12 triệu đến 13 triệu đồng/tấn ở phía Bắc và từ 12 triệu đến 13,2 triệu đồng/tấn ở phía Nam.

Trong tháng 9 sản xuất và tiêu thụ thép tuy có giảm so với tháng 7 và tháng 8 nhưng vẫn tiếp tục tăng mạnh so với các tháng đầu năm. Lượng thép sản xuất trong tháng qua đạt 340.000 tấn, giảm 45.000 tấn so với tháng trước nhưng lại tăng hơn 220.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng sản lượng thép sản xuất trong 9 tháng qua đạt 2,92 triệu tấn, tăng 0,32 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước. Hiện lượng thép thành phẩm tồn kho còn 150.000 tấn cùng với lượng phôi chuẩn bị cho sản xuất trong tháng 10 khoảng 450.000 tấn nên nguồn cung từ nay đến cuối năm vẫn đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.

Tuy nhiên, theo nhận định Bộ Công Thương, từ nay đến cuối năm, nhu cầu thép xây dựng sẽ tiếp tục tăng do Chính phủ tiếp tục các chính sách kích cầu tiêu dùng, đầu tư và thúc đẩy các dự án đầu tư xây dựng như nhà ở xã hội, ký túc xá cho sinh viên... Vì vậy, giá bán thép xây dựng từ nay đến cuối năm có thể tiếp tục tăng nhưng sẽ không tăng đột biến như năm trước.

Cạnh tranh sẽ khó hơn

Trong khi giá thép trên thế giới đang có xu hướng giảm thì các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước liên tục tăng giá bán. Chính điều này đã tạo cơ hội cho thép ngoại vốn có giá cạnh tranh hơn tiếp tục tràn vào Việt Nam.

Trong tháng qua, có khoảng 43.000 tấn thép cuộn được nhập khẩu vào Việt Nam với giá bán rẻ hơn từ 500.000 đồng/tấn đến 700.000 đồng/tấn khiến tổng lượng thép tiêu thụ của các doanh nghiệp trong nước chỉ đạt 300.000 tấn, giảm 100.000 tấn so với tháng trước.

So với tháng 8, giá phôi thép trên thị trường thế giới đã giảm từ 40 USD/tấn đến 60 USD/tấn, xuống còn khoảng 490 USD/tấn nhưng các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước vẫn chưa có động thái gì về việc giảm giá trở lại.

Giải thích về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nguyễn Tiến Nghi cho hay, trên thực tế giá thép sản xuất trong nước vẫn cao hơn so với các nước khác là do hầu hết các doanh nghiệp thép Việt Nam đều có quy mô sản xuất nhỏ lẻ manh mún, công nghệ thiết bị lạc hậu nên tiêu hao nguyên liệu nhiều, các loại chi phí (xuất nhập khẩu, vận tải, nguyên liệu...) lớn dẫn tới giá thép trong nước chưa thể hạ xuống theo giá thế giới.

Một số nhà sản xuất thép trong nước có giảm giá nhưng bằng cách tăng chiết khấu cho đại lý, song thực tế trên thị trường, người tiêu dùng vẫn không được hưởng ưu đãi này nên giá bán thép trên thị trường vẫn không giảm.

Ông Nghi cũng cho biết thêm, trong 6 tháng đầu năm 2008, giá thép liên tục tăng cao, có những doanh nghiệp lãi 300.000 đồng/tấn đến 400.000 đồng/tấn, nhưng sang đến những tháng cuối năm 2008 giá thép bắt đầu giảm mạnh, đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa “gỡ” lại được.

Những tháng đầu năm 2009, giá thép trong nước liên tục tăng, doanh nghiệp đã có lãi nhưng thực tế cũng chỉ mới bù đắp được một phần lỗ của năm trước.

Theo các doanh nghiệp kinh doanh thép xây dựng, do giá thép trong nước đã tăng cao nên hiện nay lượng thép nhập khẩu từ Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc... về khá nhiều, trong đó hầu hết là thép cuộn, chiếm 70% thị phần trong nước.

Sự gia tăng thị phần thép ngoại sẽ không có gì đáng ngại nếu như việc tiêu thụ của các doanh nghiệp thép trong nước luôn giữ được mức ổn định như từ tháng 5 đến tháng 8/2009. Tuy nhiên, bước sang tháng 9, tiêu thụ thép giảm nhưng giá thép vẫn tiếp tục tăng sẽ làm cho khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp thép trong nước trở nên khó khăn hơn.

Với lượng thép ngoại nhập nhiều như hiện nay cùng với việc giá phôi thép trên thế giới đang có chiều hướng giảm, nếu trong thời gian tới các doanh nghiệp thép không tính toán đến việc giảm giá bán thì sẽ rất khó tiêu thụ được sản phẩm, ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam nhận định./.

 (Vietkbiz)

ĐỌC THÊM