- Kể từ ngày 12/10, giá thép sản xuất trong nước đã phải “xuống thang” bằng quyết định giảm giá của Tổng Công ty thép Việt Nam với mức giảm bình quân 200.000 đồng/tấn tùy loại.
Xưởng chế biến thép của một doanh nghiệp trong nước. Ảnh: Châu Giang
Kể cả giá đã được giảm như trên, hiện giá thép nội vẫn cao hơn thép nhập khẩu từ 300 - 500.000 đồng/tấn, tùy thuộc đại lý bán hàng. Giá bán tại Tổng Công ty thép Việt Nam với thép cuộn phi 6 hiện tại là 11,420 triệu đồng/tấn so với mức 11,620 triệu đồng/tấn được áp dụng từ hôm 18/9. Ngoài Tổng Công ty thép Việt Nam, chưa có thêm doanh nghiệp thép nào thông báo giảm giá thép. Dù vậy, tín hiệu cho thấy đang là mùa xây dựng nhưng giá thép giảm chứng tỏ thép nội đang lép vế so với thép nhập khẩu.
Ngày 15/10, Bộ Công Thương cho biết tổng nhu cầu thép cả nước tăng khoảng 10%, tức là nhu cầu cần khoảng 12 triệu tấn thép. Với nhu cầu như vậy, sẽ không xảy ra thiếu thép xét trên nguồn cung hiện có. Khả năng sản xuất trong nước sẽ đạt 6,2 triệu tấn và nhập khẩu sẽ đạt 6,6 triệu tấn.
Nhìn vào nguồn cung như trên, thép nhập ngoại đang chiếm ưu thế trên thị trường. Giải thích về sự mất cân đối này, Hiệp Hội thép Việt Nam cho rằng, một trong những nguyên nhân là nhiều dự án thép trong nước đã chậm tiến độ rất nhiều so với kế hoạch. Nhưng bên cạnh đó, nhiều dự án ngoài quy hoạch cũng đang mọc lên. Nghịch lý nữa đang diễn ra đó là giá thép nhập khẩu rẻ hơn thép trong nước. Nguồn cung thép rẻ này được biết là mua về từ Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan... và giá cả có thể còn rẻ hơn nữa do các thị trường này tiến hành xả hàng tồn kho do tác động của khủng hoảng kinh tế.
So sánh mức giá hiện tại, thép nhập phải chịu thuế nhập khẩu nên việc giá thấp hơn thép nội không phải do được ưu đãi thuế. Nguyên nhân nằm ở chiết khấu rất cao mà các nhà nhập khẩu có được từ nguồn cung hàng. Nhiều nhà cung cấp nước ngoài cho biết cũng sẵn sàng giảm giá thêm 10% để có thể cạnh tranh tốt hơn.
Giá cao vì... than(?!)
Từ đầu tháng 10, giá than -nguyên liệu đầu vào quan trọng- của ngành thép đã được điều chỉnh tăng lên. Đây là quyết định của Bộ Tài chính khi cho phép Tập đoàn Than và Khoáng sản (TKV)điều chỉnh giá bán than với một số hộ tiêu dùng lớn. Mức điều chỉnh tăng trung bình từ 25 - 30% đối với than bán cho ngành giấy, xi măng, thép, phân bón... Mức điều chỉnh này còn có thể được tăng thêm trong các tháng cuối năm với phương châm giá bán than cho các hộ này chỉ thấp hơn giá than xuất khẩu 10%.
Với thông tin này, giá thép sản xuất trong nước khó mà đứng vững. Chi phí phôi tăng, năng lượng, nhân công, các khoản chi cho vận chuyển, kho bãi... cũng khiến thép nội lao đao thêm.
Hiệp Hội thép cho rằng, mặc dù nhiều khó khăn, nhưng thép nội hiện tại cũng không thoát khỏi quy luật thị trường đó là phải giảm giá thì mới có cơ may bán được hàng.
Nhiều ý kiến cho rằng, đến tận lúc này, thị trường thép Việt Nam vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Sản xuất và cả giá cả còn phụ thuộc quá nhiều ở nước ngoài. Thị trường xuất khẩu sang mấy nước láng giềng trước kia đã gây dựng được nay cũng đã bị mất vào tay các nước khác do thiếu cạnh tranh về giá. Ít nhất trong vài năm tới vẫn chưa thể xác định được vị trí của thép Việt Nam tại thị trường trong nước, thị phần vẫn bị “ép” bởi thép nhập ngoại.