Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thép nội "mệt" vì hàng ngoại

- Làn sóng thép nhập khẩu, đặc biệt là thép từ các nước ASEAN, đang gây khó cho các doanh nghiệp thép trong nước.

DN sản xuất thép trong nước đang phải “đánh vật” với thép ngoại ngay trên sân nhà. Trong ảnh: Sản xuất thép xây dựng - Ảnh: N.C.T.

Giảm giá bán liên tục nhưng thép trong nước vẫn tiêu thụ chậm. Trong khi đó, các doanh nghiệp (DN) thép còn phải đối mặt với thép nhập khẩu, đặc biệt từ khu vực ASEAN. Đây chính là áp lực buộc DN phải giảm giá bán thép cho người tiêu dùng.

Giữa hai “gọng kìm” này, các nhà sản xuất thép chỉ còn biết kiến nghị Bộ Tài chính tăng thuế nhập khẩu đối với thép nhập khẩu từ ngoài khu vực ASEAN. Còn với thép từ các nước khu vực ASEAN thì “chịu thua” vì nằm trong cam kết giảm thuế của ASEAN.

Thúc ép giảm giá

Sản xuất phôi cũng gặp khó

Không chỉ có DN sản xuất thép mà các DN sản xuất phôi thép cũng gặp khó. Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, phó chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA), hiện giá phôi thép chào từ Nga và một số nước khu vực Đông Âu đang ở mức 370-380 USD/tấn, rẻ hơn phôi thép chào từ Trung Quốc 30-40 USD/tấn. “Hiện có nhiều nhà máy sản xuất phôi chỉ còn sản xuất 30-40% công suất vì không có cách gì cạnh tranh nổi với giá phôi bán quá rẻ từ Nga”, ông Nghi nói.

Theo tính toán của VSA, hiện giá thành phôi thép sản xuất trong nước ngang bằng giá phôi thép của Trung Quốc, cao hơn giá phôi thép nhập Nga và một số nước Đông Âu khoảng 30-40 USD/tấn.

Xuất hiện lần đầu tiên từ giữa tháng 2-2009, các loại thép cuộn dùng trong xây dựng có nguồn gốc từ Indonesia, Thái Lan, Malaysia với mức thuế nhập khẩu 0% được các công ty thương mại chào giá bán sỉ 10,5 triệu đồng/tấn, sau đó giảm còn 9,5-9,6 triệu đồng/tấn. “Nếu so với giá bán của các DN sản xuất thép trong nước, thép nhập khẩu từ ASEAN rẻ hơn trung bình 700.000-800.000 đồng/tấn. Đây là sức ép rất lớn đối với DN trong nước khi mãi lực tiêu thụ vẫn ở mức thấp. Nhìn vào mặt bằng giá rõ ràng thép nhập đang có ưu thế hơn hẳn”, ông Đỗ Duy Thái, tổng giám đốc Công ty cổ phần Thép Việt, thừa nhận.

Không chỉ có thép cuộn nguồn gốc từ ASEAN, ông Thái còn cho biết thêm thép nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nga cũng đã xuất hiện trên thị trường với giá bán nhỉnh hơn thép trong khu vực Đông Nam Á khoảng 100.000-150.000 đồng/tấn, dù thuế suất nhập khẩu lên đến 12%, do có chất lượng cao hơn.

Theo tính toán của giới kinh doanh, đã có ít nhất khoảng 60.000 tấn thép cuộn được các công ty thương mại nhập về trong hai tháng đầu năm 2009 có nguồn gốc từ ASEAN, Nga và Hàn Quốc với giá nhập (sau khi đã tính thuế nhập khẩu và chi phí chuyên chở) chỉ ở mức 9-9,2 triệu đồng/tấn. Thép ngoại về buộc DN trong nước phải giảm giá hai đợt trong tháng 2-2009, tổng cộng mức giảm 800.000-900.000 đồng/tấn.

“Một số ít được bán thăm dò tại TP.HCM, chủ yếu được bán tại các tỉnh miền Tây vì thị hiếu người tiêu dùng ở TP.HCM vẫn chuộng thép nội. Đây cũng là lý do thị phần tại khu vực miền Tây của công ty đã giảm sút rất mạnh trong vòng nửa tháng qua”, ông Đào Đình Đông, phụ trách thị trường của Tổng công ty Thép VN (VNSteel) trụ sở phía Nam, xác nhận. Theo ông Đông, mức tiêu thụ của VNSteel ở phía Nam trong tháng 2-2009 đã giảm 20-25% so với cùng kỳ 2008 và giảm hơn 30% so với tháng trước cũng vì thép nhập.

Chống đỡ cho thép nội

Ngày 3-3, ông Phạm Chí Cường, chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA), cho biết ước khoảng 100.000 tấn thép cuộn đã nhập vào VN, trong đó lượng thép nhập khẩu vào phía Nam nhiều hơn phía Bắc do giá bán tại phía Bắc đang rẻ hơn phía Nam ít nhất 200.000 đồng/tấn. Theo ông Cường, khi suy thoái kinh tế, tiêu thụ ở các nước này cũng giảm và họ đã tìm đường xuất khẩu, vì vậy các DN phải tính toán giá để có được ưu thế cạnh tranh.

Theo một chuyên gia trong ngành công thương, phần lớn lượng thép nhập khẩu từ các nước trong khu vực ASEAN đều hoàn toàn hợp lệ và đúng nguyên tắc. “Để được hưởng mức thuế suất 0%, các doanh nghiệp sản xuất thép của các nước đã làm hai công đoạn luyện và cán thép nên hoàn toàn đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn 40% hàm lượng nội địa của nguồn gốc xuất xứ”, ông này phân tích. Vấn đề đặt ra là các bộ ngành liên quan sẽ theo dõi lượng nhập khẩu này như thế nào khi thấy lượng nhập khẩu tăng một cách đột biến với số lượng lớn, sẽ có giải pháp nào để bảo hộ ngành sản xuất trong nước theo đúng nguyên tắc của khu vực thương mại tự do ASEAN và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) như các nước đang áp dụng.

Ông Cường cho biết VSA đang tập hợp các ý kiến của DN sản xuất thép và phôi thép nhằm kiến nghị lên Bộ Tài chính về đề xuất tăng thuế nhập khẩu phôi và thép thành phẩm có nguốn gốc ngoài khu vực ASEAN. Theo đó, VSA sẽ kiến nghị tăng thuế nhập khẩu phôi từ mức 5% lên 17%, thép thành phẩm từ 12% lên 17%. Lý do của đề xuất này, VSA cho rằng các nước như Nga, Ukraine đang xuất khẩu phôi thép vào VN dưới mức giá thành khiến các DN sản xuất trong nước không thể cạnh tranh một cách bình đẳng.

Cạnh tranh, cách nào?

Tuy nhiên, dù có bảo hộ, cũng không thể đặt lợi ích của nguời tiêu dùng qua một bên khi nhu cầu mua được hàng giá rẻ với chất lượng hợp lý đang là ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh chi tiêu khó khăn hiện nay. Theo ông Cường, ngoài việc tăng cường và quảng bá thương hiệu một cách sâu rộng hơn để người tiêu dùng nhận biết được giá trị thương hiệu của mình, các DN vẫn còn cách cạnh tranh với thép nhập nếu thật sự muốn cạnh tranh một cách quyết liệt và sòng phẳng.

Theo một chuyên gia lâu năm trong ngành, hiện vẫn còn một khoảng cách rất xa giữa các DN trong việc xử lý những chi phí tiêu hao nguyên, nhiên, vật liệu trong quá trình sản xuất. Theo tiết lộ của ông này, hiện có DN chỉ cần khoảng 30 lít dầu DO cho tiêu hao lò nung cán một tấn thép, trong khi có DN phải mất đến... 50 lít, thậm chí hơn. Chính những khoảng cách khá xa như vậy nên khi có sản phẩm với mức giá cạnh tranh hơn, các DN càng thấy sức ép đè nặng trên vai cũng là điều dễ hiểu.

(Tuổi trẻ)

 

ĐỌC THÊM