Phôi thép và một số loại thép từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam đã giảm, nhưng thép xây dựng “đội lốt” thép hợp kim vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam.
Những người trong ngành dự báo cơn lốc thép giá rẻ đội lốt hợp kim tiếp tục đổ vào Việt Nam trong năm 2017, tiếp tục đẩy các nhà sản xuất thép trong nước vào thế chống đỡ trong khó khăn.
Trao đổi với TBKTSG Online ngày 17-1 về thị trường thép năm nay, ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho biết hiện nay lượng phôi thép từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam đã giảm đến 60% và nhiều loại thép khác cũng giảm mạnh so với thời điểm đầu năm 2016 do áp dụng một số biện pháp phòng vệ thương mại.
Tuy nhiên, một số loại thép dài, thép xây dựng đang có biểu hiện tránh thuế phòng vệ thương mại vào Việt Nam bằng chiêu "đội lốt" thép hợp kim đang có chiều hướng tăng. "Hiệp hội thép đang tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp làm rõ thêm vấn đề này và tiếp tục cảnh báo trong năm nay để bảo vệ, thúc đẩy sản xuất nội địa”, ông Dũng thông tin.
Người đứng đầu VSA chia sẻ thêm rằng, với mức tăng trưởng toàn ngành thép năm 2016 đạt 12% so với năm 2015 thì nhiều doanh nghiệp thép hoạt động đã có lãi.
VSA nhận định, dự kiến năm 2017 toàn ngành thép có thể đạt mức tiêu thụ khoảng 17 triệu tấn cho cả bốn loại thép chính là thép xây dựng, thép cuộn cán nguội, thép ống hàn, tôn mạ và tôn sơn phủ màu, tăng 2 triệu tấn so với năm 2015. Trong đó, riêng thép xây dựng cả năm tiêu thụ khoảng 8,2 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so với năm 2015.
Ông Dũng dự báo và kỳ vọng thị trường tiêu thụ trong nước tiếp tục ổn định trong năm nay. Xu hướng giá thép năm 2017 vẫn duy trì ở mức cao hơn năm 2016 do giá nguyên liệu đầu vào trên thị trường thế giới đang tăng. Tăng trưởng ngành thép Việt Nam năm 2017 dự báo đạt 12-15% so với năm 2016.
Nhìn lại thị trường thế giới, giá phôi thép trong tháng 12-2016 tăng khoảng 25-45 đô la Mỹ/tấn, giá chào bán phôi thép CFR Đông Á vào khoảng 410-430 đô la Mỹ/tấn, giá chào phôi CIS khoảng 410 đô la Mỹ/tấn FOB Biển Đen. Điều này kéo theo giá thép thị trường trong nước tại một số khu vực bắt đầu tăng nhiệt từ tháng 12-2016 với mức tăng khoảng 600.000 – 1.000.000 đồng/tấn so với thời điểm tháng 11-2016.
Về tự chủ trong sản xuất, mặc dù sản lượng tăng nhưng nhìn chung, ngành thép Việt Nam vẫn phát triển chưa đồng bộ. Năm 2015, ngành thép Việt Nam sản xuất được 15 triệu tấn thành phẩm (với bốn ngành hàng là thép cuộn cán nguội (CRC), ống thép, tôn mạ), ngoài việc đáp ứng nhu cầu trong nước cũng đã xuất khẩu khá tốt.
Tuy nhiên, ngoài 15 triệu tấn thành phẩm sản xuất trong nước, ngành thép phải nhập khẩu tới 9 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) làm nguyên liệu phục vụ cho sản xuất các thành phẩm thép khác. Do vậy, theo VSA, Việt Nam vẫn cần phải tiếp tục đầu tư đồng bộ, đặc biệt là những nguyên liệu và bán thành phẩm chưa sản xuất được để phục vụ cho các khâu sản xuất tiếp theo trong chuỗi giá trị.
Nguồn tin: KTSG