-Trong khi lượng thép tiêu thụ trên thị trường đã bắt đầu giảm thì giá thép trong nước lại vẫn được điều chỉnh theo hướng tăng lên. Điều này đã khiến thép ngoại có cơ hội tràn vào thị trường, cạnh tranh với thép nội ngay trên sân nhà.
Trên thực tế, không phải một số nhà sản xuất không có động thái giảm giá bán thép. Tuy nhiên, họ đã giảm giá bằng cách tăng chiết khấu cho đại lý, vì vậy, người tiêu dùng không được hưởng ưu đãi này nên giá bán thép trên thị trường vẫn không giảm. Đầu tháng 10, giá bán thép công bố tại các nhà máy (chưa tính VAT, chưa trừ chiết khấu) từ 11,2 triệu đồng đến 11,7 triệu đồng/tấn, tăng 300.000 đồng/tấn so với tháng 8/2009.
Theo Hiệp Hội thép Việt Nam (VSA), tháng 9 vừa qua, lượng thép tiêu thụ trên thị trường đã giảm khoảng 100.000 tấn so với tháng 8. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước sản lượng và tiêu thụ thép vẫn tăng tới trên 200%.
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Nghi- Phó chủ tịch VSA- cho biết: do đây là tháng 7 âm lịch- tháng mưa ngâu (phía Nam gọi là tháng “cô hồn”, không động thổ)- nên nhu cầu xây dựng giảm mạnh. Thứ hai, kinh tế thế giới đã hồi phục và có dấu hiệu tăng trưởng do các gói kích cầu tiêu dùng, kích cầu đầu tư của Chính phủ các nước đã phát huy hiệu quả, nhu cầu thép thế giới đã hồi phục, nhiều nhà sản xuất thép lớn đã tăng công suất và sản lượng. Tiếp nữa là do thép ngoại tràn vào khiến thị phần của các DN thép trong nước giảm.
Trong khi thép trên thế giới giảm, thì giá thép trong nước đến tay người tiêu dùng không giảm. Thực tế trên thị trường, nhiều đại lý còn găm hàng, chờ giá lên để bán tạo cơn sốt ảo khiến giá thép cũng tăng lên. Bên cạnh đó, giá thép tăng còn bởi những biến động về nguyên liệu trên thế giới, tỷ giá ngoại tệ và giá xăng dầu. Chính điều này đã tạo cơ hội cho thép ngoại vốn có giá thấp hơn tràn vào thị trường. Ước tính trong tháng 9 vừa qua, đã có hơn 40 nghìn tấn thép cuộn được nhập khẩu vào nước ta với giá bán rẻ hơn từ 500 – 700 nghìn đồng/tấn khiến thị phần của thép trong nước đã giảm đi trông thấy. Hiện giá chào phôi thép tại thị trường Đông Nam Á và Trung Quốc đã giảm 10- 20 USD/tấn so với cuối tháng 8, còn 490- 500 USD/tấn, thậm chí có một số lượng phôi chào với giá 480- 485 USD/tấn. Ước tính, thép ngoại từ Malaixia, Thái Lan, Trung Quốc… đã nhập khẩu về khá nhiều, trong đó thép cuộn đã chiếm tới 70% thị phần trong nước.
Lý giải về việc giá thép trong nước không giảm, hoặc giảm không đáng kể, các chuyên gia cho biết: trên thực tế, các DN sản xuất thép trong nước thường có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ lạc hậu nên chi phí sản xuất lớn, dẫn tới giá thành cao. Thêm vào đó, nhiều DN vẫn còn bị lỗ từ đợt giảm giá bán cuối năm 2008 đến nay vẫn chưa “gỡ” lại được.
Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, tồn kho thành phẩm thép khoảng 180.000 tấn, phôi chuẩn bị cho sản xuất tháng 10 là 450.000 tấn, đảm bảo đủ nguyên liệu cho sản xuất thép trong tháng 10. Với nguồn cung cả trong nước và nước ngoài đều dồi dào như vậy, nếu các DN sản xuất thép trong nước không giảm giá bán thì rất có thể, thép nội sẽ lại mất vị thế ngay trên sân nhà./.