Hàng trăm nghìn tấn thép ngoại giá rẻ "đổ bộ" vào chiếm lĩnh thị trường nước ta trong ba tháng qua đã "ép" các DN thép trong nước lùi dần đến bờ vực phá sản. Các DN thép kêu cứu, và "chiếc phao" họ đề nghị vẫn là biện pháp tăng thuế.
Thép "mềm"...
"Có vào cuộc cạnh tranh quyết liệt như bây giờ mới biết thép nội "mềm" như thế nào", ông Trần Quốc Bình, một chủ cửa hàng thép xây dựng trên phố Hàng Tre (Hà Nội) cười cay đắng. Cuối năm ngoái, khi giá thép giảm, ông dồn hết vốn liếng mua tích trữ theo sự tính toán thông lệ hằng năm, vào đầu mùa xây dựng (khoảng tháng 3, tháng 4), lượng tiêu thụ tăng giá thép sẽ tăng. Nhưng niềm hy vọng của ông tan nhanh. Giá thép trong nước mới nhích lên, "làn sóng" thép nhập khẩu đã ào ào tràn về, giá thấp hơn 500 đến 700 nghìn đồng/tấn so với thép sản xuất trong nước. Thép han rỉ trong kho và lòng ông xót như xát muối. Cứ theo đà này, không khéo sản nghiệp cả gia đình ông gây dựng bao lâu nay có nguy cơ mất trắng. Ông Bình chắc chắn không phải trường hợp duy nhất của các nhà kinh doanh thép xây dựng gặp khó do ảnh hưởng của thép nước ngoài nhập khẩu vào nước ta. Nhưng các nhà kinh doanh lo một thì doanh nghiệp sản xuất thép sợ mười, bởi họ mới thật sự là người có cảm giác bị dồn đến bờ vực phá sản.
Từ đầu năm đến nay, mặc dù liên tục giảm giá, nhưng sản lượng thép tiêu thụ trong nước vẫn sụt giảm mạnh so với bình quân hằng năm, chỉ bằng 56% đến 70% so cùng kỳ. Trong khi đó, một số lượng lớn thép xây dựng giá rẻ của nước ngoài đã được nhập về Việt Nam. Thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong hai tháng đầu năm, con số này đã vượt quá 150 nghìn tấn. Giá phôi thép trên thị trường khu vực Viễn Ðông và Ðịa Trung Hải chỉ ở mức 300 USD/tấn, cộng mọi chi phí lên 350 USD/tấn, thấp hơn giá thành sản xuất phôi thép trong nước khoảng 100 USD/tấn. Trên thực tế, mức chênh lệch này làm các doanh nghiệp sản xuất phôi thép chỉ biết "khóc dở, mếu dở". Một loạt nhà máy thép vừa ra đời đã bị lâm vào tình trạng thua lỗ và có nguy cơ phá sản do không có thị trường tiêu thụ. Nhiều nhà máy sản xuất phôi chỉ đạt 30 đến 40% công suất vì không có cách gì cạnh tranh nổi với giá phôi quá rẻ từ nước ngoài. Các sản phẩm thép cũng rớt giá mạnh, tương đương mức giá thấp kỷ lục vào quý 1-2006. Một số chuyên gia trong ngành thép nhận định, thị trường thép sẽ còn tiếp tục khó khăn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chưa có dấu hiệu phục hồi.
Và sự chậm trễ
Trước tình hình thép ngoại ồ ạt đổ về, trên cơ sở lấy ý kiến đại diện các doanh nghiệp sản xuất thép, ngày 12-3, VSA kiến nghị Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Tài chính nâng thuế nhập khẩu phôi thép và sản phẩm thép, bình quân 10% đối với các chủng loại. Cụ thể, nâng thuế suất thuế nhập khẩu phôi thép từ 5% lên 15%, thép xây dựng từ 12% lên 22%,...
Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch VSA cho biết, mức nâng thuế này được kiến nghị sau khi VSA thu thập và phân tích đầy đủ tình hình sản xuất, kinh doanh của các công ty thành viên, những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải và có cân đối chung quyền lợi của cả ngành, tất cả mức thuế này đều nằm trong phạm vi của WTO cho phép. Kiến nghị gửi đi, các doanh nghiệp thép nôn nóng chờ đợi từng giây từng phút, vì lúc "nước sôi, lửa bỏng" thế này, một chính sách ra kịp thời có thể cứu họ thoát khỏi cảnh quẫn bách. Hơn một tuần sau, ngày 20-3, Bộ Công thương mới có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị nâng mức thuế đối với phôi thép lên 10%, thép thành phẩm 5%.
Theo Bộ Công thương, đây chỉ là biện pháp trước mắt nhằm đối phó với tình trạng thép ngoại đang bán phá giá vào thị trường nước ta. Nhận định này là chính xác, vì việc bảo hộ về thuế tuy vẫn nằm trong phạm vi WTO cho phép, nhưng sau này, khi bơi ra biển lớn, không thể đem chính sách thuế ra làm "phao cứu sinh" mãi được. Về lâu dài, các doanh nghiệp thép phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và nhanh chóng tìm cách cải tiến về quy mô, công nghệ hoặc liên kết sản xuất để hạ giá thành, đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp thép nước ngoài. Còn trước mắt, việc dựng hàng rào thuế chống bán phá giá vẫn cần thiết được đưa ra kịp thời. Nhưng đến ngày 25-3, Bộ Tài chính vẫn chưa có công văn chính thức, có nghĩa là các doanh nghiệp phải tiếp tục... chờ. Trong buổi làm việc với chúng tôi, ông Nghi liên tục phải trả lời điện thoại các doanh nghiệp thép hỏi đã có quyết định tăng thuế chưa, dĩ nhiên câu trả lời của ông là chưa, kèm theo vài câu an ủi.
Lại một lần nữa, cách điều chỉnh thuế suất của các cơ quan quản lý đã tỏ ra thiếu linh hoạt và chậm trễ khi xử lý các tình huống, diễn biến của thị trường. Còn nhớ, đợt cao điểm tháng 6-2008, tình trạng xuất ngược phôi thép ra nước ngoài của các doanh nghiệp "đạt đỉnh" hơn 300 nghìn tấn, cộng một lượng lớn thép thành phẩm cũng lên tàu xuất ngoại, khiến người ta lo ngại tình trạng thiếu thép sẽ xảy ra. Bộ Tài chính đã tăng thuế suất thuế xuất khẩu phôi thép từ 2% lên 10%, sau đó tiếp tục nâng lên 20%, nhưng trớ trêu thay, giá phôi thế giới lúc đó đã "hạ nhiệt". Mặc dù sau đó, Bộ Tài chính "giảm áp" dần bằng cách hạ thuế xuất khẩu phôi xuống 10%, rồi 5% nhưng lúc đó thì kể cả 0%, doanh nghiệp cũng không thể xuất khẩu được.
Chuyện cũ nhắc lại để thấy rằng, việc điều chỉnh các dòng thuế trong tình hình thị trường hiện nay đòi hỏi phải nhạy bén, linh hoạt hơn. Thời cơ, cơ hội trong kinh doanh có tầm quan trọng đặc biệt, nếu mất thời cơ, thiệt hại đối với doanh nghiệp là rất lớn. VSA đang đề nghị Chính phủ có cơ chế ưu đãi, sử dụng thép sản xuất trong nước trong việc xây dựng các công trình đầu tư lớn, do Nhà nước cấp vốn như một cách kích cầu có hiệu quả. Mặt khác, đối với các nước trong khu vực ASEAN, cơ quan chức năng cần kiểm tra chặt chẽ các lô hàng về xuất xứ hàng hóa thép khi nhập khẩu, phải đạt mức nội địa hóa 40% trở lên; đủ công nghệ hai bước (luyện phôi - cán thép) mới cho áp thuế 5%.
Hiện có tình trạng một số chủng loại thép nhập khẩu được khai là thép cuộn hợp kim để hưởng thuế nhập khẩu 0%, nhưng khi được phân tích, kết quả chỉ là thép xây dựng thông thường. Dù được lợi thế "sân nhà" nhưng ngành thép đang gặp rất nhiều khó khăn cho đầu ra, khi mà giá bán của các doanh nghiệp sản xuất trong nước cao hơn thép nhập khẩu trung bình 700 đến 800 nghìn đồng/tấn. Trong tương lai xa, ngành công nghiệp thép phải được xây dựng từ việc sản xuất phôi để cán thép, không chỉ nhập phôi về cán như hàng chục năm nay vẫn làm.