Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thép ống của Việt Nam bị điều tra chống trợ cấp và bán phá giá: Doanh nghiệp cần chủ động tham gia kháng kiện

Trước việc Mỹ áp đặt mức thuế chống phá giá và chống trợ cấp đối với ống thép hàn carbon của Việt nam, các doanh nghiệp cần chủ động kháng kiện nhằm tránh tạo tiền lệ bất lợi.

Vụ kiện kép

 Ủy ban Thương mại Quốc tế (ITC) của Mỹ ngày 16/8 đã bỏ phiếu thuận, cho rằng ngành ống thép của Mỹ bị thiệt hại từ ống thép nhập khẩu từ Việt Nam theo cáo buộc của hàng loạt nhà sản xuất mặt hàng này ở Mỹ. Với kết quả đó và theo quy trình của Chính phủ Mỹ, Bộ Thương mại nước này sẽ tiếp tục tiến hành điều tra sơ bộ đối với ống thép dầu khí xuất khẩu của Việt Nam. Dự kiến, mức thuế chống trợ cấp sơ bộ sẽ được Bộ Thương mại Mỹ xác định vào ngày 13/9, còn thuế chống bán phá giá sơ bộ sẽ được xác định vào ngày 9/12.
 
Ống thép hàn carbon là loại thép dùng trong ngành sản xuất, trang trí nội thất dân dụng, có thuế suất nhập khẩu sang Mỹ đang ở mức 0%. Theo ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, lượng thép xuất khẩu của Việt Nam gần đây tăng cao, cộng thêm với giá bán ở mức khá thấp, khiến các nước đối tác xem xét đến phương án kiện để bảo vệ sản xuất nội địa.
 
Đây là vụ kiện kép cả chống bán phá giá và chống trợ cấp. Điều này đồng nghĩa với việc các DN sẽ phải bỏ gấp đôi thời gian, công sức và tiền bạc để thuê luật sư tư vấn, chuẩn bị tài liệu… Và nếu kết luận cuối cùng dẫn đến việc áp cả hai loại thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp thì DN sẽ rơi vào tình cảnh “một cổ hai tròng”, cùng lúc phải chịu hai thứ thuế, việc cạnh tranh tại thị trường Hoa Kỳ vì vậy có thể khó khăn hơn nhiều.
 
DN xuất khẩu thép ống cần hợp tác với nhau để tham gia kháng kiện
 
Theo nhiều phân tích của chuyên gia, đối với một ngành chưa từng có kinh nghiệm kháng kiện chống bán phá giá cũng như chống trợ cấp như ngành thép thì việc cùng lúc phải đối phó với hai vụ kiện là điều rất khó khăn. Trong khi đó, các DN sản xuất, xuất khẩu mặt hàng bị điều tra lại chủ yếu là các DN vừa và nhỏ nên hệ thống kế toán chứng từ thường không đạt tiêu chuẩn và nguồn lực dành cho những vụ kiện như thế này cũng không có nhiều để theo kiện đầy đủ và hiệu quả.
 
Năm 2007, Hoa Kỳ kiện đồng thời chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với Trung Quốc. Kết quả là thép carbon tiêu chuẩn của Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá 69,2%-85,55%, thuế chống trợ cấp 29,62-616,83%, các lệnh áp thuế này vẫn còn hiệu lực cho đến bây giờ. Đây cũng là một “án lệ” rất nguy hiểm mà Hoa Kỳ có thể áp dụng với Việt Nam trong vụ việc này.
 
Tránh tạo ra “án lệ” bất lợi
 
Lượng thép ống xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng liên tục trong những năm gần đây cho thấy đây có thể là một sản phẩm xuất khẩu triển vọng. Do vậy, vụ kiện có thể tạo ra những rào cản đáng kể cho năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường Hoa Kỳ của sản phẩm này. Đồng thời nó có thể tạo ra tâm lý không tốt cho DN xuất khẩu các sản phẩm khác sang Hoa Kỳ. 
 
Riêng đối với vụ kiện chống trợ cấp, rủi ro và phạm vi tác động  đã vượt ra ngoài phạm vi của DN sản xuất ống thép. Cụ thể, thường thì một chương trình bị cáo buộc là trợ cấp gây thiệt hại  không chỉ áp dụng với một sản phẩm cụ thể là đối tượng điều tra mà có thể áp dụng cùng lúc cho nhiều sản phẩm khác trong nhiều ngành. Do đó kết quả kháng kiện chống trợ cấp ở vụ thép có thể sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả các vụ kiện chống trợ cấp trong tương lai ở Hoa Kỳ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, dù DN sản xuất ống thép chưa phải là mũi nhọn xuất khẩu của Việt Nam thì việc kháng kiện chống trợ cấp trong vụ việc này vẫn cần phải được thực hiện cẩn trọng, tránh tạo ra những “án lệ” bất lợi cho Việt Nam trong tương lai. 
 
Theo ông Vũ Mạnh Hải - Giám đốc Công ty Luật Ánh Dương, các DN cần tích cực, chủ động tham gia kháng kiện, bởi nếu DN không hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra thì sẽ bị sử dụng các thông tin sẵn có bất lợi cho DN. Kết quả là DN sẽ chịu mức thuế cuối cùng rất cao so với các DN có tham gia và hợp tác đầy đủ.
 
Bên cạnh đó, cần có sự  đoàn kết, thống nhất hành động giữa các DN, đặc biệt là các DN lớn được lựa chọn làm bị đơn bắt buộc là rất cần thiết để đạt được kết quả cuối cùng tốt nhất cho toàn ngành. Theo quy định của Hoa Kỳ thì chỉ có một số DN được lựa chọn làm bị đơn bắt buộc và được tính mức thuế suất riêng, mức thuế của các DN còn lại sẽ được tính dựa trên mức thuế của những DN được lựa chọn làm bị đơn bắt buộc. Vì vậy, các DN cần có sự phối hợp với nhau cả về phương hướng lẫn nguồn lực vật chất để đảm bảo lợi ích cho tất cả các DN. 
Các DN cũng cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mặc dù kết quả cuối cùng của một vụ kiện chống trợ cấp có tác động trực tiếp đến DN nhưng vai trò của Nhà nước trong quá trình kháng kiện là rất quan trọng bởi Nhà nước là đối tượng cung cấp các hình thức trợ cấp bị điều tra. Vì vậy, DN cần phối hợp với Nhà nước để cung cấp thông tin một cách thống nhất và có lợi.
 
Ngoài những DN có lượng xuất khẩu mặt hàng bị điều tra sang Hoa Kỳ lớn nhất dễ bị lựa chọn làm bị đơn bắt buộc, các DN còn lại nên tham gia vào vụ kiện với tư cách là bị đơn tự nguyện bằng cách gửi thông tin tự giới thiệu mình với cơ quan điều tra và trả lời bảng câu hỏi điều tra. 

Nguồn tin: Công lý

ĐỌC THÊM