Trao đổi với Đất Việt, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, khẳng định, với mức tăng giá điện 6,8% đã được Chính phủ phê duyệt, sắp tới các doanh nghiệp (DN) ngành thép buộc phải tăng giá thép tương ứng với mức tăng dự tính từ 5 – 10%.
Hiện chi phí tiền điện chiếm 10% giá thành các sản phẩm thép. Theo tính toán của các doanh nghiệp trong ngành, riêng sản xuất phôi (tiêu thụ điện lớn 500 – 600kWh một tấn), ngành thép sẽ phải chi thêm khoảng 4.000 – 5.000 đồng tiền điện một tấn. Tổng chi phí tiền điện tăng thêm sẽ khoảng 12 – 15 tỷ đồng.
Cùng với sản xuất thép, các doanh nghiệp phân bón hóa chất cũng đang thận trọng tính toán phương án tăng giá để đảm bảo cân đối chi phí, không tác động mạnh đến bà con nông dân. Ông Nguyễn Gia Tường, Phó tổng giám đốc phụ trách sản xuất kinh doanh, Tập đoàn hoá chất Việt Nam, cho biết: “Các doanh nghiệp trong ngành đang đứng trước nhiều khó khăn khi hàng loạt chi phí đầu vào đều đang tăng cao: điện tăng, than tăng, chi phí vận chuyển tăng do giá xăng tăng”. Nếu cộng dồn các yếu tố này, theo ông Tường, giá phân bón dự tính cũng phải điều chỉnh thêm ít nhất 3 – 5%. Riêng đầu ra sản phẩm của các doanh nghiệp hoá chất cơ bản dùng điện phân như sản xuất xút (tiền điện chiếm 50% giá thành), mức tăng có thể cao hơn.
Do giá than sẽ tăng tương ứng với mức điều chỉnh giá điện nên các hộ tiêu thụ điện, than lớn như: xi măng, giấy cũng đang tính toán mức tăng chi phí đầu vào đến giá thành sản phẩm theo yêu cầu của Bộ Công thương. Còn theo phản ánh của các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng như may mặc, da giày, thực phẩm... việc tăng giá điện sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh về giá cả của hàng nội (đặc biệt với hàng Trung Quốc). Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng: “Việc vừa đảm bảo chất lượng, vừa phải tính toán hạ giá thành để thực hiện chủ trương kích cầu hàng nội trong khi các chi phí đầu vào liên tục tăng cao là thách thức quá lớn với các doanh nghiệp sản xuất”.
baodatviet