Nhiều doanh nghiệp thép vừa tăng giá 200.000 – 300.000 đồng một tấn. Đây là lần tăng thứ tư kể từ đầu tháng 10 tới nay. Dự đoán đến hết tháng 12, việc tăng giá tổng cộng 500.000 đồng một tấn là khó tránh khỏi.
Thép Việt - Úc cả loại cây và cuộn hiện tăng lên 13.350.000 đồng một tấn, chưa tính VAT. Với giá nhập này, đại lý sẽ bán tới tay người tiêu dùng giá 13.500.000 đồng. Thép Việt – Hàn cũng có giá cao 14.550.000 đồng một tấn, đã bao gồm VAT.
Giá tiếp tục tăng đến cuối năm
Anh Huy, chủ đại lý thép tại Long Biên (Hà Nội), cho hay, đại lý vừa nhận được báo giá của đại lý cấp 1: Các loại thép đều tăng từ 200.000 đến 300.000 đồng một tấn. Một số loại thép nhập trực tiếp từ công ty cũng tăng ở mức tương tự. Các chủ đại lý vật liệu xây dựng trên đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho biết, hầu hết đã nhận được báo giá tăng từ 4/11. Như vậy, đây là lần thứ 4 kể từ đầu tháng 10 giá thép tăng và chắc chắn sẽ không dừng lại cho đến cuối vụ.
Các doanh nghiệp khẳng định giá thép sẽ không dừng lại đến cuối mùa xây dựng. Ảnh: Như Ý.
Tuy nhiên, theo một chủ đại lý tại khu vực này, lượng tiêu thụ tính từ đầu vụ tới nay sụt giảm trầm trọng, ước khoảng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng có thể do năng lực tài chính của đại lý có hạn nên mất khách, trong khi có quá nhiều đại lý thép cạnh tranh, hoặc do nhu cầu thép của thị trường sụt giảm. Nhưng dự báo, khả năng tăng lượng tiêu thụ từ nay đến hết vụ gần như không có. Bởi từ đầu tháng 12 trở đi, thị trường sẽ bước vào giai đoạn chững, nhất là trong bối cảnh hiện nay, giá thép liên tục tăng, khách hàng lại “khất” nợ nhiều. Từ nay đến hết tháng 12, thép sẽ tăng ít nhất 500.000 đồng một tấn. “Các doanh nghiệp sẽ không báo giá tăng “sốc” một lúc, nhưng tăng 3 - 4 đợt nữa, mỗi đợt khoảng 200.000 đồng một tấn”, chủ đại lý này tính.
Đổ lỗi cho tỷ giá
Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho hay từ đầu tháng 11, nhiều đơn vị sản xuất thép đã đồng loạt tăng giá bán, đơn vị tăng nhiều nhất là 300.000 đồng một tấn. Theo VSA, trong tháng 10, giá thép tương đối ổn định, chỉ có đợt tăng cuối tháng, nhưng dao động quanh 100.000 - 150.000 đồng một tấn. Từ khoảng ngày 18/10, sau khi có quyết định điều chỉnh tỷ giá USD đến nay, giá bán thép của các đơn vị đã nâng lên ngưỡng khoảng 13,2 - 13,8 triệu đồng chưa tính thuế VAT. Tỷ giá USD quá cao, nên việc điều chỉnh giá là không thể tránh khỏi.
Ngoài ra, cũng rất khó có thể kỳ vọng vào chuyện thép giảm giá hơn so với giá hiện nay, khi đã tạm kết thúc mùa xây dựng. Với mức tăng mỗi USD thêm 1.000 - 1.500 đồng, sức ép tăng giá lên phôi thép nhập khẩu vào khoảng 600.000 – 800.000 đồng một tấn phôi, nên ít nhất giá thành phẩm sẽ phải tăng tương ứng 600.000 - 700.000 đồng. Từ nay đến hết mùa xây dựng, để chống lỗ, các doanh nghiệp buộc phải tăng giá. Tuy nhiên, việc tăng hay chấp nhận thua lỗ, còn phụ thuộc vào thị trường, chứ không phải muốn tăng giá là được. Bởi ngành thép luôn phải chịu một sức ép rất lớn về cung lớn hơn cầu.
Nguồn: Baodatviet