Trước việc giá thép tăng mạnh trong thời gian gần đây khiến dư luận rất bức xúc, Bộ Công thương vừa quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành với sự tham gia của Vụ Công nghiệp nặng, Vụ Thị trường trong nước và Vụ Chính sách thuế của Bộ Tài chính.
Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, Tổ công tác sẽ làm việc tại một số doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân lớn trong ngành thép để tìm hiểu nguyên nhân tăng giá thép mạnh trong thời gian qua để đưa ra những giải pháp thích hợp.
Trước đó trên thị trường, giá thép đã tăng chóng mặt. Chỉ trong tháng 3, giá thép xây dựng bán đến tay người tiêu dùng đã tăng từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng/tấn, tùy loại.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư vào ngày 3/4, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép (VSA) cho hay, ngày 2/4, một số doanh nghiệp thép phía Nam tiếp tục điều chỉnh tăng giá thép thêm 500.000 đồng/tấn bởi giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh. Giá thép bán tại nhà máy của các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam hiện đã ở mức xấp xỉ 14 triệu đồng/tấn, chưa có thuế giá trị gia tăng 10%. Mức giá này cũng thường được xem là thấp nhất trong số các doanh nghiệp thép hiện nay. Tuy nhiên, đến tay người tiêu dùng thì mức giá này còn bị đội lên nữa với sự tham gia của hệ thống phân phối.
Giải thích cho việc tăng giá thép mạnh trong tháng 3, các nhà sản xuất đều đổ lỗi cho việc tăng giá điện, giá xăng và đặc biệt giá phôi thép nhập khẩu tăng mạnh, nên hệ quả là, giá thép tăng theo khó tránh.
Thừa nhận việc bước sang năm 2010, ngành thép gặp một số khó khăn như giá nguyên liệu quặng sắt, than, dầu, phôi thép, thép phế, điện cao hơn giá năm 2009, cùng với những tác động từ các yếu tố chung như: tỷ giá VND/USD tăng, không còn được giãn, giảm thuế kích cầu đầu tư, một số sản phẩm thép bị cắt giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, lãi suất vay vốn cao tới hơn 15% thay cho 4% của năm 2009... nhưng không ít chuyên gia cho rằng, có dấu hiệu giá thép tới tay người tiêu dùng bị đẩy lên quá mức so với việc các chi phí đầu vào tăng để doanh nghiệp kiếm lời. Nhất là khi đây đang là cao điểm xây dựng và sẽ kéo dài tới hết tháng 6, nên việc tiêu thụ thép có nhiều thuận lợi. Ông Cường cho hay, chuyện doanh nghiệp vừa ký hợp đồng mua phôi sản xuất theo giá mới đã áp dụng ngay giá phôi đó để tính giá thép bán ra hiện nay là điều thực tế, vì doanh nghiệp luôn phải sản xuất đuổi, vẫn phải mua nguyên liệu mới phục vụ sản xuất.
Bước sang thời điểm tháng 4 này, tình hình giá thép lại càng khó hạ nhiệt. Hiện tại, Tổng công ty Thép Việt Nam đã ký hợp đồng mua phôi thép với giá 614 USD/tấn, còn các chào hàng mới nhất đã xấp xỉ 650 USD/tấn.
Cũng theo báo cáo của Tổ điều hành thị trường trong nước, giá phôi nhập khẩu hiện đã tăng hơn 40% so với năm ngoái. Đến cuối tháng 3, giá phôi đã tăng từ 580 lên 614 USD/tấn. Như vậy, giá nhập khẩu phôi tháng 3 tăng 70-80 USD/tấn so với tháng 2 và tăng 115-130 USD/tấn so với tháng 12/2009. Mặc dù từ cuối năm 2009, một số lò điện đi vào hoạt động đã giúp ngành thép tự chủ được hơn 60% (3 triệu tấn) nhu cầu phôi cho sản xuất trong nước nhưng Hiệp hội Thép dự báo năm nay ngành thép vẫn sẽ phải nhập 2 triệu tấn phôi (năm 2009 là 2,4 triệu tấn).
“Tại hội nghị thép khu vực ASEAN và Trung Quốc mới đây, các nước đều nhận định giá quặng thép đang có xu hướng “nóng” trở lại như đã diễn ra hồi năm 2008. Hiệp hội Thép Trung Quốc cũng cho hay, nhà cung cấp quặng sắt lớn nhất thế giới - Australia (chiếm 75% trữ lượng quặng thế giới) đã tuyên bố tăng giá quặng từ 40-50% (từ hơn 80 USD lên 140-150 USD/tấn) so với năm 2009 và chỉ ký hợp đồng từng quý chứ không ký hợp đồng dài hạn. Giá than mỡ nhập khẩu cũng tăng hơn 80%, nên càng áp lực cho các doanh nghiệp trong nước, nơi mà phôi và thép phế phục vụ cho sản xuất thép trong nước vẫn nhập khẩu là chủ yếu”, ông Cường nói.
Như vậy, việc giá phôi và thép phế thế giới đang lên sẽ ảnh hưởng mạnh đến giá thép trong nước là khó tránh. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng kỳ vọng các cơ quan hữu trách có những biện pháp kịp thời để tránh tình trạng doanh nghiệp và nhà phân phối lợi dụng đà lên giá của thị trường thế giới, của giá điện, giá xăng mới đây để đẩy giá thép lên cao hơn, tăng thêm gánh nặng cho người dùng và nền kinh tế.
Baodautu