Đối mặt với những khó khăn đó là sự cạnh tranh quyết liệt đang diễn ra từng ngày, đặc biệt là tác động lớn từ việc thép nhập khẩu với giá rẻ ồ ạt tràn vào Việt Nam, đây chính là nguyên nhân làm cho thị phần các DN thép trong nước càng giảm sút, khiến đội ngũ kinh doanh của TISCO đứng ngồi không yên.
Để tồn tại trong bối cảnh này là việc làm hết sức khó khăn, bằng kinh nghiệm của mình, đội ngũ lãnh đạo của TISCO đã tìm mọi biện pháp để tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, duy trì sản xuất nhưng với điều kiện sản phẩm phải đạt chất lượng cao, trong lúc giá thành thép thành phẩm thép của TISCO đưa ra thị trường luôn cao hơn các đối thủ cạnh tranh từ 500.000 đến 700.000đ/tấn nên việc duy trì thị phần và nâng cao sản lượng tiêu thụ phải rất quyết tâm.
Để vượt khó, các công ty khác tìm mọi cách, có thể giảm giá bán dưới giá thành sản xuất, hay thậm chí chịu lỗ để cạnh tranh không lành mạnh, nhưng đối với TISCO thì không thể, bởi chất lượng sản phẩm phải được đặt lên hàng đầu, quyết định uy tín nhãn hiệu TISCO. Hơn nữa, TISCO là cái nôi truyền thống của ngành công nghiệp luyện kim được thành lập từ những năm 1959. Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển với kinh nghiệm và uy tín của mình, đến nay sản phẩm của TISCO đã có mặt trải dài khắp thị trường Việt Nam, từ thành thị đến nông thôn, từ vùng sâu đến vùng xa, sản phẩm và thương hiệu TISCO không những lan tỏa trong nước mà còn được các nước trên trường quốc tế tin dùng, như: Indonesia, Canada, Campuchia, Lào... với sản lượng tiêu thụ hàng năm đều tăng trưởng cao.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn kéo dài như hiện nay công ty chỉ sản xuất đáp ứng mức tiêu thụ và lượng hàng dự trữ nằm trong lượng tồn cho phép để chu chuyển theo quy luật. Với khó khăn đó, năm 2013 TISCO xây dựng kế hoạch sản xuất khoảng 594 ngàn tấn thép cán, nhưng do thị trường khó khăn như hiện nay khó có thể hoàn thành kế hoạch và tính hết tháng 7 công ty mới sản xuất đạt 51% kế hoạch/năm, và tính trong tháng 7 Công ty đã tiêu thụ được 57.000 tấn thép cán.
Cùng với đó, lượng phôi sản xuất ước đạt 56% kế hoạch/năm, chỉ sản xuất phục vụ đủ cho sản xuất thép; đối với quặng sắt, Công ty cũng chỉ khai thác phục vụ đủ cho sản xuất, nên tháng 7 chỉ đạt 59.000 tấn. Nguyên nhân sản lượng đạt mức thấp do tháng 7, 8 bị ảnh hưởng của mùa mưa bão nhiều, cùng với tình hình cung cấp điện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên không ổn định, thậm chí còn thường xuyên mất điện đột ngột nên gây ra các sự cố thiết bị và thiệt hại đến sản xuất dẫn tới sản lượng cũng giảm theo.
Hoạt động khai thác than mỡ phục vụ cho sản xuất cũng ảnh hưởng do mưa nhiều nên khối lượng bóc đất đá thấp, dẫn tới sản lượng đem lại không cao. Cùng với khó khăn đó, than tuyển cũng không đưa về Nhà máy Cốc hóa cho sản xuất được nên lượng than đã tồn kho khá lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất. Tuy nhiên, điều may mắn hơn cả, trong khai thác quặng sắt tại Mỏ Ngườm Cháng (Cao Bằng) lại vẫn duy trì được sản lượng, tạo điều kiện tốt cho sản xuất gang lò cao.
Để chuẩn bị cho những tháng còn lại của năm 2013, đặc biệt là tháng 8, công ty dự kiến sản xuất và tiêu thụ đạt khoảng 43.000 tấn thép cán. Tuy nhiên, để đạt được những con số đó, công ty phải có những bước chuẩn bị và đưa ra kế hoạch sát với tình hình thị trường. Đồng thời, thực hiện tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, tạo được giá bán hợp lý để tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao được sản lượng tiêu thụ, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch đề ra, đáp ứng sự kỳ vọng của một ngành công nghiệp thép Việt Nam.
Nguồn tin:Công thương