Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thép thứ phẩm nhập ngoại gây khó cho thép nội

Trước việc thép cuộn cán nguội (CRC) kém chất lượng, giá rẻ từ Trung Quốc và Nga nhập vào Việt Nam với số lượng ngày càng lớn làm lũng đoạn thị trường, Hiệp hội Thép Việt Nam đã có văn bản "kêu cứu" gửi tới Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành tìm cách tháo gỡ để bảo vệ hàng sản xuất trong nước.

Sức nhập khẩu lớn nhất từ trước đến nay

Ảnh minh hoạ Internet

Theo ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), từ đầu năm đến nay, số lượng thép cuộn cán nguội dải hẹp 1,5mm x 1,6mm, kém chất lượng và kiện cán nguội từ thị trường Trung Quốc, Nga nhập vào Việt Nam đã vượt 63 vạn tấn với kim ngạch trên 300 triệu USD, đặc biệt những tháng gần đây, số lượng nhập về ngày càng nhiều.

Đây là mức nhập khẩu lớn nhất từ trước đến nay và gấp đôi lượng thép tiêu thụ của các công ty thép trong nước. Nếu cứ duy trì tốc độ nhập khẩu như hiện nay, các doanh nghiệp trong nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của mình trước sức ép cạnh tranh này.

Theo ông Cường, do các sản phẩm này có đặc tính kỹ thuật thấp nên giá rẻ, có thời điểm rẻ hơn thép cán nguội trong nước từ 800.000 đồng/tấn đến 1,6 triệu đồng/tấn. Các sản phẩm này được doanh nghiệp nhập khẩu về để sản xuất ống thép (ống tròn, ống vuông). Điều đáng quan tâm là các loại thép nhập khẩu chủ yếu là thép thứ phẩm, phi tiêu chuẩn, loại khổ hẹp nên chất lượng rất kém.

Trong khi đó, sản phẩm trong nước là thép chính phẩm, cán nguội khổ rộng, theo đúng tiêu chuẩn cơ sở, giá cao hơn nên không thể cạnh tranh nổi với loại thép nhập khẩu này.

Hiện nay, cả nước có 6 công ty sản xuất thép cuộn cán nguội là Posco Việt Nam, Tấm lá Phú Mỹ-PFS, Thống Nhất, Sunsco-Đài Loan, Lotus và Việt Thành với tổng công suất 2,4 triệu tấn/năm.

Trong khi đó, sức tiêu thụ tối đa sản phẩm thép cuộn cán nguội trong cả nước chỉ ở mức từ 1,2-1,4 triệu tấn/năm và các doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm khoảng 54%, còn lại 46% là thép nhập khẩu.

Với tổng công suất sản xuất như vậy, nguồn cung đã vượt gần gấp đôi nhu cầu của cả nước, tiêu thụ sản phẩm đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Chưa kể việc một số công ty sản xuất thép cán nguội đã được cấp giấy phép đầu tư và đang tiến hành xây dựng với công suất hàng triệu tấn/năm như China Steel-Sumitomo (Nhật Bản), Formosa (Đài Loan)...

Cũng theo hiệp hội này, không chỉ ở Việt Nam, tình trạng thép cuộn cán nguội giá rẻ của Trung Quốc cũng xâm nhập vào thị trường của các nước khác trên thế giới đã khiến các nước này gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ hàng nội địa.

Các nước này đã phải áp dụng nhiều biện pháp, kể cả các biện pháp phi thuế quan để ngăn chặn bớt hàng nhập khẩu, bảo vệ sản xuất trong nước. Mỹ đã áp dụng chính sách đánh thuế đối với hàng của Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) cũng quyết định áp thuế chống phá giá đối với các sản phẩm sắt, thép, thép ống nhâp khẩu từ Trung Quốc. Thái Lan, Malaysia, Indonesia... cũng đã áp dụng hàng rào phi thuế quan để chống việc nhập khẩu hàng chất lượng kém, giá thấp này.

Nhiều biện pháp bảo vệ hàng sản xuất trong nước

Để bảo vệ thép cuộn cán nguội trong nước, VSA đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, các bộ Công Thương, Tài chính, Khoa học và Công nghệ về việc bảo vệ thép cán nguội trong nước và đề xuất một số biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Theo đó, Bộ Khoa học Công nghệ sớm ban hành bộ tiêu chuẩn quốc gia về thép cuộn cán nguội và phối hợp với các bộ, ngành quản lý để ngăn chặn các sản phẩm kém chất lượng và phi tiêu chuẩn nhập vào Việt Nam, cạnh tranh không lành mạnh với loại thép cuộn cán nguội khổ rộng của các công ty sản xuất trong nước.

Đồng thời, việc rà soát lại các công ty nhập khẩu và ban hành các quy định chặt chẽ về thủ tục khai báo hải quan để tránh tình trạng nhập ồ ạt với số lượng lớn hoặc gian lận thương mại cũng cần phải triển khai ngay.

VSA cũng đề nghị kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng không để các công ty tận dụng lãi suất ưu đãi của ngân hàng nhập sản phẩm thép mà trong nước đã sản xuất dư thừa, trong đó có CRC.

Mặt khác, Cục Quản lý cạnh tranh-Bộ Công Thương cũng hướng dẫn các công ty sản xuất thép cán nguội thu thập số liệu và chứng cứ để có thể tiến hành biện pháp tự vệ mà luật thương mại quốc tế cho phép nhằm bảo vệ ngành sản xuất thép cuộn cán nguội trong nước.

Cùng với đó, các doanh nghiệp sản xuất thép cũng đề xuất xây dựng hàng rào kỹ thuật và ban hành các chính sách để bảo hộ hàng sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, việc cấp giấy phép nhập khẩu cũng rất cần thiết để ngăn chặn các nhà nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam trong ngắn hạn, từ 1-3 tháng, khi họ nhận định giá lên.

Ngoài ra, theo Vụ xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, nếu bất cứ sản phẩm thép của một quốc gia nào vượt quá 3% tổng lượng nhập khẩu vào Việt Nam của ngành hàng đó và các doanh nghiệp chứng minh được sự ảnh hưởng của nó đến sản phẩm trong nước thì họ có thể áp dụng biện pháp tự vệ.

Theo Chủ tịch VSA Phạm Chí Cường, các biện pháp trên nếu được thực hiện sớm sẽ ngăn chặn được tình trạng nhập khẩu ồ ạt thép kém chất lượng vào Việt Nam, bảo hộ được sản xuất trong nước hiện nay cũng như sau này.

(QĐND)

ĐỌC THÊM