Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thép thừa, vẫn cấp giấy phép

Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năng lực sản xuất của các nhà máy gang thép trong nước đang rơi vào tình trạng dư thừa đáng lo ngại.

Trong khi Quy hoạch Phát triển ngành thép VN đặt mục tiêu đến năm 2025 toàn ngành đạt tổng công suất 20 triệu tấn/năm, song đến thời điểm này, số lượng dự án thép được cấp phép trên cả nước đã có tổng công suất 40 triệu tấn/năm, vượt gấp đôi quy hoạch…

Phải khẳng định, Chính phủ từ trước đến nay vẫn khuyến khích đầu tư vào các dự án thép mới, nhất là những dự án thượng nguồn (sản xuất phôi thép từ quặng sắt hoặc phế liệu) và những sản phẩm trong nước còn thiếu hoặc chưa sản xuất được vẫn phải nhập khẩu. Nhưng dường như quy định đó không được tuân thủ, thực tế vẫn còn rất nhiều dự án thép đầu tư vào hạ nguồn - nghĩa là chỉ nhập phôi về cán kéo, hoặc những sản phẩm mà trong nước công suất quá dư thừa như thép cán, cán nguội, ống thép, tôn mạ…

 

Số liệu mới đây từ VSA cho thấy, công suất thép cán nguội hiện là 2,5 triệu tấn/năm, trong khi sản xuất năm 2009 chỉ có trên 481 ngàn tấn, thừa hơn 2 triệu tấn công suất; công suất thép cán xây dựng là 7,83 triệu tấn nhưng sản xuất chỉ trên 4 triệu tấn, thừa gần một nửa năng lực; công suất các nhà máy sản xuất phôi thép là 5,73 triệu tấn nhưng thực tế sản xuất chỉ đạt 2 triệu tấn; công suất ống thép hàn là 1,3 triệu tấn nhưng sản xuất chỉ đạt trên 473 ngàn tấn; công suất thép lá mạ kim loại là 1,2 triệu tấn/năm nhưng sản xuất chỉ đạt 816 ngàn tấn…

 

Quy hoạch Phát triển ngành thép giai đoạn 2007- 2015, tầm nhìn 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 9/2007, nhưng sau gần 3 năm thực hiện đã có biểu hiện không tuân thủ nghiêm túc. Theo kết quả thanh tra mới nhất của Bộ Công thương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có tới 17 dự án thép đăng ký, với công suất 3,75 triệu tấn thép luyện/năm và hơn 10 triệu tấn thép cán/năm. Bên cạnh đó, còn có 32 dự án thép không thuộc danh mục quy hoạch đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư như: Hải Phòng 5 dự án, Thanh Hóa và Hải Dương 4 dự án…, với tổng vốn đầu tư 11,55 tỉ USD và gần 39.000 tỉ đồng.

 

Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA, các dự án có hoặc chưa có trong quy hoạch, chủ đầu tư phải báo cáo Bộ Công thương để xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung vào quy hoạch trước khi lập dự án đầu tư xây dựng. Ngoài ra, các dự án xin cấp chứng nhận đầu tư phải đảm bảo các điều kiện nghiêm ngặt về công nghệ, thiết bị sử dụng, nguyên liệu đầu vào lẫn khả năng tài chính... Mặc dù vậy tình hình cấp giấy phép đầu tư ở các địa phương cho các dự án gang thép cuối năm 2009 và đầu năm 2010 vẫn không có biến chuyển. "Tốc độ đầu tư ngành thép hiện nay chắc chắn dẫn đến giành giật thị trường, nhiều nhà máy sẽ phải vận hành thấp hơn mức công suất thiết kế, gây lãng phí đất đai, tiền bạc và hiệu quả kinh tế thấp. Đây cũng là một yếu tố khiến giá thép nội cao, khó cạnh tranh với hàng ngoại" - ông Cường khẳng định. Đáng ngại nhất là việc cấp phép dự án thép tràn lan đã gây mất cân đối với sự phát triển của các ngành khác như điện, nước, cơ sở hạ tầng giao thông... gây ra những ảnh hưởng khó lường về nguồn nhân lực, môi trường…

 

Trước tình trạng này, liên tiếp có văn bản kiến nghị Thủ tướng yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định về cấp giấy phép đầu tư cho ngành thép. Thời gian tới, chỉ cấp phép đầu tư để sản xuất các sản phẩm thép mà VN chưa sản xuất được như thép dẹt cán nóng, thép chế tạo, thép hợp kim, thép chất lượng và các nguyên liệu cho ngành thép…Bên cạnh đó, Chính phủ và các địa phương cần nhanh chóng rà soát lại tiến độ thực hiện các dự án, nhất là các dự án đầu tư lớn của nước ngoài triển khai chậm, lưu ý khả năng tài chính, nếu không có lý do chính đáng thì có thể phải rút giấy phép để tránh lãng phí, cản trở các nhà đầu tư có tiềm lực khác. Ngoài ra, Hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ rà soát lại việc cấp phép của các địa phương thời gian gần đây, nếu không thực hiện đúng quy định của Chính phủ và các bộ, ngành quản lý thì yêu cầu chỉnh sửa lại.

KTĐT

ĐỌC THÊM