Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thép trong nước : Thừa và thiếu !

Thời gian gần đây, Hiệp hội Thép VN (VSA) liên tiếp gửi công văn lên các cơ quan chức năng đề nghị bảo vệ DN thép trong nước trước thép NK. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, các “đề nghị” này thêm một lần nữa chứng tỏ năng lực cũng như sức cạnh tranh yếu của sản phẩm thép trong nước. DĐDN có cuộc trao đổi cùng ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch VSA xung quanh vấn đề này.

Theo ông Cường, việc VSA đề nghị bảo vệ thép trong nước không phải nhằm “ngăn sông cấm chợ” sản phẩm thép trên thị trường mà chỉ nhằm vào những sản phẩm thép trong nước hiện đang thừa, trong khi chất lượng sản phẩm nhập khẩu tương ứng lại không đảm bảo. Đó là đề nghị bảo vệ thép cán nguội sản xuất trong nước và đề nghị nâng thuế suất NK cho sản phẩm tôn mạ kim loại, sơn phủ màu (mã số 7210) từ mức 13% hiện nay lên 17%.

- Vậy nguyên nhân nào dẫn đến việc các DN nhập thép cán nguội với lượng lớn gấp 2 lần lượng thép tiêu thụ của các Cty thép VN ? Phải chăng các DN không dự báo được tình hình thị trường cũng như nhu cầu thép trong nước, thưa ông ?

Nguyên nhân của tình trạng này là do sản phẩm thép cán nguội giá rẻ và sản phẩm kém chất lượng (loại khổ hẹp hoặc thứ phẩm) từ Trung Quốc và Nga đã nhập vào VN với số lượng lớn. Theo thống kê của Hải quan, số lượng cuộn cán nguội và kiện cán nguội từ đầu năm đến nay đã vượt 60 vạn tấn với kim ngạch trên 300 triệu USD. Hiện nay VN có 6 Cty chính thức sản xuất cuộn thép cán nguội ở VN như TCty Thép VN, Posco VN, Tập đoàn Hoa Sen, Cty Sunsco Đài Loan... và sắp tới ở VN còn có thêm một số Cty sản xuất thép cán nguội đã được cấp giấy phép đầu tư và đang xây dựng với công suất hàng triệu tấn năm như China Steel – Sumitomo (Nhật) và Formosa (Đài Loan)... trong khi đó như cầu thép cán nguội của VN chỉ khoảng 1,4 triệu tấn/năm.

- Là người “nằm trong chăn” của ngành thép, theo ông có tình trạng chính những DN sản xuất thép cuộn lại tham gia vào quá trình nhập sản phẩm này dù biết tình trạng trong nước đang thừa ?

Tôi khẳng định là có. Nhất là trong giai đoạn vừa rồi, nhiều DN tranh thủ sự hỗ trợ lãi suất 4% của Chính phủ nhập thép với số lượng lớn nhằm kiếm lợi nhuận. Nhiều DN nhập đến 2 tỷ USD rồi lại xin tái xuất. Và trong ngành thép, không ít DN “buôn” lãi quá, tiền nhiều không biết để làm gì thì mới... sản xuất thép. Bởi sản xuất thép rất vất vả và khó khăn, nhiều rủi ro bởi tác động giá nguyên vật liệu của thế giới trong khi các DN trong nước chưa thể chủ động khâu này.

- Đây là biểu hiện tình trạng đầu cơ của nhiều DN trong ngành thép, nếu gặp lúc giá thuận lợi thì “lẳng lặng hưởng lợi”, còn khó khăn thì lại “kêu”, thưa ông ?

Tình trạng đầu cơ cũng bắt nguồn từ công tác dự báo và thu nhập thông tin diễn biến thị trường thép thế giới của các DN trong nước hiện không kịp thời, thiếu chuẩn xác nên nhiều Cty bị động, không ứng phó kịp với những thay đổi lớn trong ngành thép. Một số Cty đã chịu thua lỗ nặng nề vì nhập nguyên liệu và sản phẩm giá quá cao năm 2008 nên 2009 chưa khắc phục hết lỗ. Bên cạnh đó, đầu tư ngành thép vẫn còn tình trạng tràn lan, manh mún, không đảm báo điều kiện để phát triển bền vững (về cơ sở nguyên liệu, cơ sở hạ tầng, môi trường sinh thái...) nên đầu tư sẽ khó hiệu quả, duy trì sản xuất sẽ gặp khó khăn do thiếu khả năng cạnh tranh. Cộng thêm vào đó là việc buông lỏng giám sát thực hiện quy hoạch nên nhiều công trình đầu tư trong ngành thép bị kéo dài. Việc phân cấp quá rộng cho địa phương đối với các dự án lớn về thép là quá khả năng của địa phương dẫn tới việc chấp nhận đối tác dễ dãi, không tuân thủ quy hoạch của nhà nước.

- Vậy theo ông, trong tình hình chúng ta phải giảm thuế theo lộ trình cam kết WTO, làm thế nào để hạn chế “cánh cửa” cho thép ngoại để bảo vệ thép trong nước ?

Tình trạng thép cán nguội giá rẻ của Trung Quốc xâm nhập các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia và Indonesia cũng đã làm cho các nước trên phải áp dụng nhiều biện pháp, kể cả các biện pháp phi thuế quan để ngăn chặn bớt các hàng nhập khẩu và bảo vệ sản xuất trong nước. Trong tình hình hiện nay, các DN sản xuất thép trong nước mong muốn Bộ KHCN sớm ban hành Bộ tiêu chuẩn quốc gia về thép cán nguội và phối hợp với các bộ ngành quản lý để ngăn chặn các sản phẩm kém chất lượng và phi tiêu chuẩn nhập vào VN, cạnh tranh không lành mạnh với loại thép cuộn cán nguội khổ rộng của các cty sản xuất trong nước. Đồng thời, rà soát lại các cty nhập khẩu và ban hành các quy định chặt chẽ về thủ tục khai báo hải quan để tránh tình trạng nhập ồ ạt với số lượng lớn hoặc gian lận thương mại. Mặt khác, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng không để các cty tận dụng lãi suất ưu đãi của ngân hàng nhập sản phẩm thép mà trong nước đã sản xuất dư thừa, trong đó có thép cán nguội (CRC).

- Các giải pháp trên dường như lại là các giải pháp hành chính, tăng thủ tục hành chính, khó khăn ngược trở lại đối với DN, trong khi chúng ta đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, thưa ông ?

Phải nhìn vào thực tế là chúng ta thừa vẫn thừa, nhưng thiếu vẫn thiếu. Chẳng hạn như thép chế tạo cơ khí, thép hợp kim chất lượng cao, thép cuộn cán nóng hay như sắt thép phế cho các nhà máy điện... Những sản phẩm này nên khuyến khích nhập vì chúng ta có nhu cầu. Việc VSA kiến nghị chỉ nhằm cho việc nhập thép đúng đối tượng và nhu cầu của thị trường trong nước.

- Vậy ông dự báo thế nào về tình hình thép VN năm 2010 ?

Theo nhận định của VSA nhu cầu thép thế giới đã thoát khỏi đáy. Riêng ngành thép VN tiếp tục tăng trưởng do tác động của các biện pháp kích cầu kinh tế của Chính phủ trong năm 2009 và sẽ tiếp tục trong năm 2010. Tuy nhiên, ngành thép cũng sẽ phải đương đầu với một số khó khăn như giá nguyên liệu cơ bản: quặng sắt, than, dầu, phôi thép, thép phế, điện năng và một số loại nguyên liệu khác cao hơn giá năm 2009. Năm 2010 sẽ có một số sản phẩm thép theo lộ trình quy định WTO sẽ không còn được hưởng ưu đãi và bảo hộ cao về thuế nhập khẩu, tính cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu sẽ khốc liệt hơn...

Dự kiến cung ứng phôi thép vuông cho các nhà máy cán sản xuất thép xây dựng sẽ vượt 60%, nhưng lượng thép phế nhập khẩu cũng tăng mạnh vì thép phế trong nước chỉ đáp ứng tối đa là 30%; sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thép trong nước dự báo tăng 10 – 12%, giá thép trong nước sẽ tăng do giá các nguyên liệu đầu vào tăng nhưng sẽ không tăng đột biến vì nguồn cung vẫn cao hơn so với nhu cầu, sản phẩm thép cùng loại nhưng giá rẻ hơn Trung Quốc, Nga, và các nước Asean vẫn sẵn sàng nhập vào VN trong khi hàng rào bảo vệ phải tuân thủ luật quốc tế.

- Xin cảm ơn ông !

(DĐ DN)

ĐỌC THÊM