Giá thép Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất 16 tháng do nhu cầu giảm và tồn kho tăng lên. Với thị trường trong nước, trải qua 6 đợt giảm liên tiếp, giá thép dao động ở mức 16,3 - 17,5 triệu đồng/tấn, tùy chủng loại và thương hiệu.
Tồn kho liên tục tăng
Chỉ số chế tạo, sản xuất, tiêu thụ thép của Trung Quốc do S&P Global Commodity Insights đánh giá đứng ở mức 110 điểm trong tháng 5/2022, cao hơn 9 điểm so với tháng 4, nhưng vẫn giảm 5 điểm so với cùng kỳ năm 2021.
Giám đốc điều hành của công Navigate Commodities Atilla Widnell cho biết: “Tiêu thụ thép nội địa bị ảnh hưởng bởi Covid-19, điều này tiếp tục đè nặng lên các khu phức hợp sản xuất sắt thép của Trung Quốc”.
Việc Trung Quốc tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt chính sách "Zero Covid" đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế nước này. Tính đến ngày 19/6, nước này ghi nhận 109 ca mắc mới, giảm 50 ca so với ngày trước đó. “Giá thép đã giảm xuống mức thấp nhất 16 tháng do tồn kho liên tục tăng” - giới phân tích tại Westpac cho biết.
Giá thép xây dựng tại Thượng Hải giảm 6% trong khi giá thép HRC cũng giảm 6,5% trong phiên giao dịch hôm 20/5. Điều này càng tạo áp lực lên thị trường quặng sắt, khi nhiều nhà máy luyện thép ngừng hoạt động do biên lợi nhuận sụt giảm.
Thị trường đang kỳ vọng các chính sách kích thích nền kinh tế của Trung Quốc có thể giải quyết những khó khăn hiện tại, và đầu tư cơ sở hạ tầng cũng được thúc đẩy giúp nhu cầu thép tăng.
Các nguồn tin trong ngành cho biết, mặc dù có sự cải thiện trong hoạt động sản xuất của Trung Quốc vào tháng 6/2022, nhưng sự phục hồi vẫn chậm chạp, dẫn đến giá thép giảm mạnh gần đây. Chỉ số tiêu thụ thép dựa trên dữ liệu sản xuất từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho 18 mặt hàng sản xuất liên quan đến thép, được phân loại thành 7 lĩnh vực và được tính theo tỷ trọng tiêu thụ thép.
Vào tháng 5/2022, lĩnh vực năng lượng bao gồm các cơ sở sản xuất điện đã tăng so với cùng kỳ năm trước, trong khi tất cả lĩnh vực khác bao gồm máy móc, phương tiện, thiết bị gia dụng, đóng tàu, container và những công trình đường sắt đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhu cầu thép của Trung Quốc từ lĩnh vực năng lượng, bao gồm cả các cơ sở sản xuất điện, vẫn ổn định trong tháng 6/2022. Tuy nhiên, nhu cầu của lĩnh vực này không tăng nhiều so với mức một năm trước. Trong khi đó, sản lượng xe và nhu cầu tiêu thụ ô tô liên quan trong tháng 6 dự kiến quay trở lại, hoặc thậm chí vượt mức một năm trước đó.
Nhu cầu gia tăng từ lĩnh vực xe cộ chủ yếu là do chuỗi cung ứng công nghiệp xe của Trung Quốc đã gần như trở lại bình thường sau đại dịch.
Các yếu tố khác hỗ trợ lĩnh vực này là nhu cầu trì hoãn trong tháng 4, tháng 5 chuyển sang tháng 6 và Chính phủ cung cấp trợ cấp cho người mua xe hơi. Mặc dù vậy, sản lượng xe của Trung Quốc trong tháng 5 vẫn thấp hơn 4% so với một năm trước đó là 1.993 chiếc.
Thiết bị gia dụng, xây dựng tăng trưởng yếu
Khi nhu cầu xe tăng nhanh, 2 lĩnh vực chủ chốt khác đang có dấu hiệu tăng trưởng yếu so với phần còn lại của năm. Nhu cầu thép từ các ngành thiết bị gia dụng và máy móc liên quan đến xây dựng dự kiến vẫn yếu trong thời gian còn lại của năm 2022, làm suy yếu sự phục hồi nhu cầu trong các lĩnh vực liên quan đến xe cộ và năng lượng.
Sản xuất trong lĩnh vực thiết bị gia dụng và máy móc liên quan đến xây dựng thường đi theo xu hướng trong lĩnh vực bất động sản, vốn đang trải qua giai đoạn nhu cầu yếu và khó có khả năng đảo chiều trước cuối năm.
“Trọng tâm chính của lĩnh vực bất động sản vào năm 2022 là tái cơ cấu nợ. Có nghĩa là ngay cả khi doanh số bán bất động sản cải thiện trong những tháng tiếp theo, doanh thu bán hàng sẽ được sử dụng để giảm bớt nợ chứ không phải mở rộng kinh doanh” - một nguồn tin cho hay.
Hơn nữa, thu nhập hộ gia đình bị đình trệ và nhu cầu ở nước ngoài giảm cũng sẽ làm giảm mức tiêu thụ đồ gia dụng.
Trở lại tháng 5, nhiều người tham gia thị trường thép dự kiến nhu cầu thép trong lĩnh vực sản xuất và xây dựng sẽ phục hồi mạnh mẽ vào tháng 6 sau khi Covid-19 được kiềm chế. Tuy nhiên, một nguồn tin cho biết thêm: “Nhưng hiện tại, bất kỳ sự phục hồi nào cũng không thể mạnh mẽ trong bối cảnh tiêu thụ nội địa chậm chạp và việc xây dựng bất động sản chậm lại. Điều này đã tác động xấu đến tâm lý thị trường và cũng làm gia tăng nguồn cung thép”.
Do đó, giá thép cuộn cán nóng trong nước của Trung Quốc, một chỉ báo của thị trường thép dẹt chủ yếu nhắm vào lĩnh vực sản xuất, giảm 13%, tương đương 610 Nhân dân tệ/tấn (91 USD/tấn), từ đầu tháng 6 xuống còn 4,270 Nhân dân tệ/tấn vào ngày 20/6, theo đánh giá từ S&P Global.
Ảnh hưởng tới thị trường thép Việt Nam
Các chuyên gia kinh tế nhận định, việc Trung Quốc mở cửa kinh tế trở lại là chất xúc tác cho giá thép phục hồi. Các lệnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt (chính sách Zero Covid) khiến tiêu thụ thép nội địa Trung Quốc suy yếu và nhà máy phải giảm sản lượng trong khi đẩy mạnh xuất khẩu. Sản xuất thép yếu tại Trung Quốc và nhiều nước khác bước vào kỳ nghỉ lễ dài ngày khiến giá phế liệu và giá quặng giảm theo.
Bên cạnh đó, Trung Quốc liên tục chào giá xuất khẩu thấp. Tình hình này đã tạo áp lực lên mặt bằng giá thế giới, kéo giá thép thành phẩm trong nước giảm mạnh từ đầu tháng 5 đến nay.
Đơn cử, vào ngày 19/6, các thương hiệu đồng loạt điều chỉnh giảm giá thép xây dựng 300.000 - 500.000 đồng/tấn. Hiện, giá thép xây dựng đang dao động 16,3 - 17,5 triệu đồng/tấn. Đây là đợt giảm thứ 3 liên tiếp kể từ đầu tháng 6 và đợt thứ 6 liên tiếp kể từ ngày 11/5.
Trong đợt điều chỉnh này, thương hiệu thép Mỹ là doanh nghiệp có mức giảm mạnh nhất. Cụ thể, thép cuộn CB240, giảm 710.000 đồng/tấn, xuống mức 16,3 triệu đồng/tấn, thép thanh vằn D10 CB300 giảm 720.000 đồng/tấn, còn khoảng 16,5 triệu đồng/tấn.
Còn với thương hiệu thép Hòa Phát điều chỉnh giảm lần lượt 300.000 đồng/tấn và 410.000 - 510.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 tùy từng miền, xuống còn 16,6 triệu đồng/tấn và 17 triệu đồng/tấn.
Tại đại hội thường niên 2022 của Công ty CP Thép Nam Kim (Thép Nam Kim - mã NKG), ông Võ Hoàng Vũ - Tổng Giám đốc NKG cho biết, dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh mẽ trên thế giới khiến nhà sản xuất tại các quốc gia châu Âu và Mỹ phải dừng hoạt động lò cao. Giai đoạn hậu đại dịch, nhu cầu thép gia tăng nhanh chóng trong khi năng lực sản xuất không phục hồi tương ứng đã khiến giá thép tăng cao.
Nguồn tin: Kinh tế & Đô thị