Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), năm 2015 ngành thép đã nhập siêu 6,54 tỷ USD trong năm 2015, trong đó Trung Quốc chiếm 52% trong tổng lượng thép đã nhập khẩu.
Cụ thể, VSA cho biết trong năm 2015, Việt Nam đã nhập đến 19,83 triệu tấn thép thành phẩm và bán thành phẩm, tương ứng 9 tỷ USD, tăng 27,24% so với năm trước, với 52% lượng nhập chủ yếu đến từ Trung Quốc.
Vì vậy, dù ngành thép xuất khẩu được 2,46 tỷ USD trong năm 2015, nhưng vẫn giảm 14% so với năm 2014, và thị trường xuất khẩu vẫn chưa vươn ra xa ngoài khu vực ASEAN khi khu vực này hiện chiếm đến 75% tổng lượng sắt thép xuất khẩu hiện nay.
Đặc biệt, tại thị trường trong nước, trước sự thâm nhập mạnh mẽ của thép giá rẻ từ Trung Quốc, các DN thép Việt lại bất đồng quan điểm khi áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ).
Cuối năm 2015, 4 doanh nghiệp lớn của ngành thép gồm: Công ty cổ phần Thép Hòa Phát (HPG), Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên và Công ty cổ phần Thép Việt Ý đã đệ đơn đề xuất tăng thuế nhập khẩu lên 45% với phôi thép và 33% với thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.
Nguyên nhân khiến 4 doanh nghiệp đề nghị điều tra áp dụng biện pháp tự vệ là bởi có sự gia tăng đột biến về nhập khẩu phôi thép và thép dài khiến lợi nhuận sụt giảm mạnh. Số liệu thống kê cho thấy, lượng phôi thép nhập khẩu đã tăng từ 466 nghìn tấn năm 2012 lên 1,5 triệu tấn vào năm 2015. Thép dài nhập khẩu đã tăng từ 387 nghìn tấn năm 2012 lên 1,2 triệu tấn năm 2015.
Ngày 25/12/2015, Bộ Công thương đã tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu.
Tuy nhiên, tiếp đó, ngày 12/1/2016, Bộ Công Thương đã nhận được đơn kiến nghị về việc không áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép từ 6 doanh nghiệp thép trong nước bao gồm: CTCP thép Pomina, Công ty liên doanh sản xuất thép Vinausteel, Công ty TNHH Nasteel-Vina, Công ty sản xuất Thép Úc SSE, Công ty TNHH Thép Vinakyoei, CTCP thép Việt Đức, CTCP BCH.
Vì theo các DN này, lượng phôi thép nhập khẩu trong giai đoạn 2008 - 2010 còn lớn hơn rất nhiều so với con số 1,25 triệu tấn của năm 2015. Mặt khác, ngành thép cũng phải đối mặt với tình trạng dư thừa công suất từ thép xây dựng đến ống thép và phôi thép. Điều khiến các doanh nghiệp ở phía phản đối băn khoăn là ai sẽ là người được hưởng lợi nếu áp dụng biện pháp tự vệ.
Dẫn tới, hiện nay vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra. Bộ Công Thương cho biết, Bộ sẽ luôn ghi nhận mọi ý kiến bình luận, kiến nghị của các bên liên quan và tạo cơ hội cho các bên liên quan được trình bày quan điểm của mình về vụ việc và điều này cũng sẽ được thể hiện rõ trong kết luận điều tra công bố sau này.
Nguồn tin: Stockbiz