Theo thông tin từ Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương), từ tháng 10 tới cơ quan này sẽ áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập từ 4 nước, là Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và Indonesia.
Cụ thể, thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ chịu mức thuế chống bán phá giá từ 4,64 – 6,87%; nhập từ Malaysia là 10,71%; nhập từ Đài Loan từ 13,79 – 37,29%. Trong số đó, thép không gỉ cán nguội nhập từ Indonesi bị đánh thuế thấp nhất, 3,07%.
Mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập từ Trung Quốc, Đài Loan... sẽ lần đầu tiên bị áp thuế chống bán phá giá |
Theo quyết định này, doanh nghiệp của Đài Loan bị đánh thuế cao nhất, mức thuế áp cho Yuan Long Stainless Steel Corp lên tới 37,29%.
Với Đài Loan, Bộ Công thương áp mức thuế lên đến 37,29% dành cho riêng Yuan Long Stainless Corp và mức 13,79% áp dụng cho các nhà sản xuất khác, cao hơn thời điểm áp dụng tạm thời ít nhất từ 0,56-3,56%.
Cục Quản lý cạnh tranh cho biết trước đó, Việt Nam đã tiến hành điều tra chống bán phá giá thép ngoại vào tháng 7/2013 sau khi Công ty TNHH Posco VST và Công ty Cổ phần Inox Hòa Bình gửi văn bản tới Bộ Công Thương yêu cầu áp thuế chống bán phá giá bình quân 20% đối với sản phẩm thép không gỉ nhập từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Đài Loan. Posco VST và Hòa Bình đang chiếm 80% thị phần inox trong nước.
Theo Posco VST và Inox Hòa Bình, giá thép không gỉ nhập khẩu từ bốn nước trên thấp hơn 25% sản phẩm trong nước, thậm chí thấp hơn giá thành tại chính thị trường của họ. Điều này đã tác động tiêu cực tới sản xuất trong nước như công suất giảm, tỉ lệ thua lỗ tăng cao, doanh thu giảm, giảm giá bán, lượng hàng tồn kho tăng...
Thép không gỉ là nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất đồ gia dụng như bồn rửa chén, xoong nồi, đồ nội thất dạng ống, hệ thống nước nóng, bồn tắm hoặc các bộ phận của xe hơi, vật liệu xây dựng... Hàng nhập từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Đài Loan hiện hưởng thuế suất 0%.
Trong một báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp tháng 8, Bộ Công thương cũng cho biết, nhập khẩu thép các loại tăng 14,4% về lượng và tăng 7,1% về giá trị. Sản lượng sản xuất thép trong nước đạt 1,9 triệu tấn.
Tiêu thụ thép của các nhà máy sản xuất trong nước trong tháng 8 cũng ở mức rất thấp, chủ yếu tập trung vào các công trình xây dựng dở dang. Một số nhà máy sản xuất ở khu vực phía Bắc đã phải dừng sản xuất do hàng tồn kho cao, tiêu thụ khó khăn.
Về giá bán, Bộ Công Thương cho biết do tiêu thụ chậm và phải cạnh tranh với thép Trung Quốc nên các nhà sản xuất trong nước đã giảm giá bán. Các phương thức giảm giá chủ yếu được các nhà sản xuất áp dụng là hỗ trợ vận chuyển, tăng chiết khấu sản lượng, tăng hỗ trợ công trình…
Nguồn tin: Infonet