Một công trường xây dựng tại Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: AFP) |
Thứ 6 vừa qua, 24/7, hàng ngàn công nhân ở Nhà máy Luyện thép Đông Hoa (Tonghua) ở tỉnh Cát Lâm đã biểu tình phản đối kế hoạch chuyển giao nhà máy cho công ty thép tư nhân Kiên Long (Jianlong), theo China Daily.
“Ông Trần đã đe dọa rằng hàng nghìn người sẽ bị sa thải trong vòng 3 ngày”, một bảo vệ của Đông Hoa, nói với tờ China Daily như vậy. “Việc ông Trần nói với công nhân rằng lãnh đạo mới sẽ cắt giảm từ 30.000 xuống chỉ còn 5.000 người đã khiến đám đông nổi giận”.
Cuộc bạo động vừa qua cho thấy một tín hiệu đi xuống của ngành thép Trung Quốc. Gói kích khổng lồ của chính phủ nước này dành cho việc xây dựng hàng loạt các cơ sở hạ tầng đã tạo ra nhu cầu tiêu thụ lớn cho ngành này.
Vào tháng 6, sản lượng thép dạng thô đạt gần 50 triệu tấn, cao hơn năm ngoái 6% - theo con số của Hiệp hội Thép Thế giới. “Nhu cầu thép mới chỉ tăng cao vào nửa đầu năm nay do gói kích thích của chính phủ và các khoản cho vay ưu đãi của ngân hàng”, Jim Lennon, nhà phân tích của Ngân hàng Macquarie cho hay. “Nhu cầu về thép vẫn còn rất lớn”.
Thế nhưng "nhu cầu rất lớn" này chỉ là một sự trì hoãn tạm thời của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc. Trong những năm qua, nước này cho xây dựng rất nhiều nhà máy sản xuất thép và đã trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới vào năm 2002. Các quan chức nước này cho biết nếu sản xuất hết công suất thì sản lượng thép hiện nay cao hơn nhu cầu ở cả trong nước lẫn ngoài nước.
Vào tháng 2, Tổng Thư ký Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc cho hay khả năng số lượng thép sản xuất ra vượt quá 160 triệu tấn so với nhu cầu tiêu dùng nội địa là 500 triệu. Hội đồng Nhà nước đang kêu gọi sự sát nhập giữa các công ty để có thể quản lý tốt hơn nguồn cung, với con số ước lượng là chỉ cần 5 nhà máy sản xuất chính tạo ra 45% sản lượng thép cho Trung Quốc vào năm 2011.
Một tình trạng tương tự cũng đang diễn ra với ngành sản xuất ô tô và xi măng Trung Quốc. Chính phủ nước này hi vọng cắt giảm số lượng các nhà sản xuất ô tô từ 14 xuống còn 10 và các nhà máy sản xuất xi măng chỉ còn là 5.000. Việc tái cơ cấu có thể sẽ tạo ra cho nền kinh tế phát triển nhất châu Á này các ngành công nghiệp nặng mạnh hơn và bền vững hơn. Tuy nhiên quá trình thực hiện sẽ không hề đơn giản và có khả năng tạo ra những rạn nứt trong mối quan hệ giữa các nhóm lợi ích trong xã hội.
"Công nhân không có nhiều cơ hội được lên tiếng đòi quyền lợi cho bản thân mình hoặc thương lượng để có được nơi làm việc mong muốn hay được đào tào tốt hơn", Geoffrey Crothall, người phát ngôn của một tổ chức phi chính phủ vì quyền lợi công nhân ở Hồng Kông cho hay. “Việc thu nhỏ quy mô sản xuất hay sáp nhập không phải là vấn đề. Điều này đã diễn ra hàng năm nay khi cổ phần hóa và tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước. Nhưng việc bán lại các tài sản công và sát nhập các công ty nhà nước gần như không bao giờ được minh bạch. Công nhân không được tham gia quá trình này. Họ chỉ nhận được một tờ thông báo vỏn vẹn vài dòng khi mọi việc đã xong xuôi”.
Ông này cũng giải thích thêm rằng công nhân giận dữ không chỉ vì các vụ mua bán ảnh hưởng tới thu nhập của họ, mà còn do quá trình sáp nhập thường dính tới tham nhũng. “Công nhân không được biết về giá trị thật của các tài sản được cổ phần hóa. Và do đó, họ thường đổ lỗi cho công tác quản lý - và đúng là như vậy trong rất nhiều trường hợp - đã bị tham nhũng và quan chức thì thường “lập lờ đánh lận con đen” khi ngã giá tài sản của Nhà nước.