Việc các doanh nghiệp thép đang kiến nghị cần siết chặt hơn nữa việc nhập khẩu thép, Bộ Tài chính đưa ra dự thảo tăng thuế một số sản phẩm thép nhập khẩu không vì lý do gì hết ngoài chuyện doanh nghiệp thép nội đang thua trên sân nhà. Thép Việt đang yếu thế trước thép Trung Quốc. | |
Lách luật nhập thép là cạnh tranh không công bằng Ảnh: Hoàng Long
Theo Hiệp hội Thép (VSA), trong 9 tháng đầu năm 2012, đã có 500.000 tấn thép cuộn Trung Quốc nhập vào Việt Nam, tăng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, thép cuộn Trung Quốc có chất lượng chỉ đáp ứng tiêu chuẩn thép xây dựng thông thường, nhưng khi vào Việt Nam có bổ sung thêm chất vi lượng Bo lại được coi là thép hợp kim để "lách” được 5% thuế suất. Trong khi đó, với năng lực hiện tại, Trung tâm Phân tích hàng hóa xuất nhâp khẩu (Tổng cục Hải quan) vẫn chưa thể xác định chính xác nguyên tố Bo trong sản phẩm thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam để có thể áp đúng mức thuế cần thiết nhằm bảo vệ sản xuất thép trong nước. Đặc biệt với giá rẻ hơn thép sản xuất trong nước từ 300.000 – 500.000 đồng/tấn, thép cuộn Trung Quốc hiện đang chiếm lĩnh hơn 10% thị phần tại các khu vực nông thôn. Công ty TNHH Posco VST - nhà máy thép không gỉ cán nguội lớn nhất tại Việt Nam với tổng sản lượng đáp ứng hơn 70% nhu cầu thị trường trong nước cũng cho biết, công ty hiện đang gặp khó khăn do tiêu thụ sản phẩm thấp. Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA cho biết, tồn kho của ngành thép đang tăng dần theo từng tháng. Cũng do tồn kho lớn, nên nhiều doanh nghiệp đã giảm công suất, như Gang Thép Thái Nguyên, Pomina, Hòa Phát… Theo VSA, Cty CP Gang Thép Thái Nguyên, có tháng sản xuất 20.000 tấn, nhưng công suất mấy tháng vừa rồi cũng giảm còn khoảng 14-15 nghìn tấn. Nếu để tồn kho, với giá thép 17-18 triệu đồng/tấn, thì lãi suất ngân hàng đã mất khoảng 250 nghìn đồng/tấn/tháng. Hiện nay mối lo lớn nhất là thép Trung Quốc đang đổ mạnh vào Việt Nam. Trung Quốc đang có sản lượng khoảng 700 triệu tấn thép/năm, chiếm hơn 50% sản lượng thép của thế giới. Chỉ cần 5% thép (gần 40 triệu tấn) của Trung Quốc đẩy đi, thì không những Việt Nam, mà các nước trong khu vực đều phải chịu sức ép. Tương lai không xa, kể cả thép thanh, vằn, chắc chắn họ sẽ ập vào thị trường nội địa Việt Nam. Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, bản thân nhập khẩu thép Trung Quốc để bán lẻ đã là một chuyện nhưng cũng có căn nguyên từ các gói thầu EPC. Do Trung Quốc thường thắng thầu, nên nhà thầu Trung Quốc đưa vào Việt Nam cả nguyên vật liệu, trang thiết bị. Sắt thép cũng là một dẫn chứng, làm gia tăng nhập siêu từ Trung Quốc. Còn TS Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: nếu như nhập nguyên vật liệu để rồi làm gia tăng giá trị của chính nó thì không sao. Nhưng việc nhập thép lại hoàn toàn ngược lại. Bản thân doanh nghiệp trong nước lách luật nhập thép là làm ăn cạnh tranh không công bằng. Sâu xa hơn cho thấy, công tác phòng vệ hàng hóa nội địa chưa tốt. Ông Thành khẳng định, bất kỳ một mặt hàng nào đó, trong đó có thép, nếu lệ thuộc vào một thị trường ngoại thì khi thị trường đó biến động sẽ dội ngược lại thị trường trong nước. Nguồn tin: ĐĐK |